Ăn vào thời điểm đặc biệt này hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư

Vân Anh |

Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, thời điểm ăn uống cũng có thể xác định ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn.

Ung thư là thuật ngữ chung cho một số lượng lớn các bệnh gây ra bởi sự phát triển bất thường của các tế bào ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn cầu. Theo cơ quan y tế, một số bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới bao gồm ung thư tuyến tiền liệt phổi, ung thư đại trực tràng, dạ dày và gan, trong khi phụ nữ dễ mắc ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung và tuyến giáp.

Như đã nói, điều quan trọng cần lưu ý là lối sống của chúng ta, đặc biệt là chế độ ăn uống - yếu tố này đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giảm nguy cơ ung thư. Nhưng ngoài những gì chúng ta ăn, thời điểm chúng ta ăn cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư.

1. Thời gian ăn và nguy cơ ung thư

Các nhà khoa học đã truy cập dữ liệu từ 621 nam giới mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và 1.205 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Họ cũng xem dữ liệu của 872 nam và 1.321 nữ không bị ung thư.

Các nhà khoa học đánh giá lối sống của những người tham gia, bao gồm thông tin về giờ ăn và thói quen ngủ của họ cũng như xác định kiểu thời gian của những người này - nghĩa là họ là người có lối sống thiên về buổi sáng hay buổi tối.

Phát hiện và công bố của các nhà khoa học trên Tạp chí Ung thư Quốc tế khiến người đọc ngạc nhiên.

Những người ăn bữa tối trước 9 giờ tối hoặc ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ có nguy cơ mắc ung thư vú hoặc tuyến tiền liệt thấp hơn 20%. Đối với những người ăn sau 10 giờ tối hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn có nguy cơ ung thư cao hơn 25%.

Ăn vào thời điểm đặc biệt này hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư- Ảnh 1.

Những người thường ăn sau 10 giờ tối có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 25% (Ảnh Health Harvard)

Tại sao lại xảy ra điều này?

Tiến sĩ Manolis Kogevinas, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi kết luận rằng việc tuân thủ các kiểu ăn uống hàng ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá thời gian trong các nghiên cứu về chế độ ăn uống và ung thư".

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định lý do tại sao thời gian ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư, nhưng một số bằng chứng nhất định cho thấy nguyên nhân có thể là do giấc ngủ bị gián đoạn.

Theo đồng hồ sinh học, khoảng 9 giờ tối trở đi là lúc cơ thể cần được thư giãn, nghỉ ngơi và bắt đầu đi vào giấc ngủ. Nhưng nếu bạn ăn uống trong giai đoạn này, cơ thể sẽ mất thêm thời gian để tiêu hoá thức ăn - điều này cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên và khó đi vào giấc ngủ. Như vậy, thay vì nghỉ ngơi, lúc này cơ thể bạn lại cần làm việc và giấc ngủ bị gián đoạn.

2. Mối liên hệ giữa giấc ngủ và ung thư

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (IARC) năm 2007 đã kết luận rằng làm việc theo ca liên quan đến sự gián đoạn sinh học, tức là bất kỳ sự thay đổi nào trong mô hình giấc ngủ, có thể gây ung thư cho con người.

Như đã biết, đồng hồ cơ thể tuân theo chu kỳ 24 giờ, điều khiển thời điểm chúng ta thức dậy, cảm giác thèm ăn, nhiệt độ cơ thể và tâm trạng của chúng ta. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nó đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.

Ăn vào thời điểm đặc biệt này hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư- Ảnh 2.

Giấc ngủ bị gián đoạn có thể làm tăng nguy cơ ung thư (Ảnh Sleep Md Nyc)

3. Các yếu tố gây ung thư khác

Theo WHO, sử dụng thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất và ô nhiễm không khí là những yếu tố nguy cơ gây ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Một số bệnh nhiễm trùng cũng được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cơ quan y tế toàn cầu cho biết: "Khoảng 13% số ca ung thư được chẩn đoán vào năm 2018 trên toàn cầu là do nhiễm trùng gây ung thư, bao gồm Helicobacter pylori (HP) - vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, vi rút u nhú ở người (HPV), vi rút viêm gan B, vi rút viêm gan C và vi rút Epstein-Barr.

4. Cách phòng ngừa ung thư

Mặc dù chúng ta không thể phòng ngừa ung thư hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách kiểm soát các yếu tố có thể gây ung thư.

- Không hút thuốc lá dưới mọi hình thức, bao gồm cả việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động

- Ăn uống đúng cách như tăng cường tiêu thụ trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

- Tập thể dục thường xuyên. Bạn nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để tập luyện các bài tập có cường độ vừa phải.

- Kiểm soát cân nặng với chỉ số BMI dao động trong khoảng 18,5 - 24,9

- Hạn chế uống rượu

- Tránh tiếp xúc với bức xạ không cần thiết, chẳng hạn như tia cực tím từ ánh nắng mặt trời - chúng có thể gây ung thư da.

- Tránh tiếp xúc với các chất độc công nghiệp và môi trường như sợi amiăng, benzen, amin thơm và biphenyl polychlorin hóa (PCB).

- Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng góp phần gây ung thư, bao gồm vi rút viêm gan, HIV, HP và vi rút u nhú HPV ở người.

- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, đối với người tử 18 tuổi trở lên, mỗi ngày nên ngủ ít nhất là 7 tiếng.

- Bổ sung đủ vitamin D. Loại vitamin này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết và các khối u ác tính khác. Bạn có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể qua ánh nắng mặt trời (không nên tắm nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều) và thực phẩm như cá trích, cá mòi, cá hồi, nấm, sữa,...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại