14 người bị lửa cướp mạng sống trong nhà trọ lúc vùng vẫy vượt qua cái nghèo

TRẦN LÊ |

Sự luẩn quẩn của cái nghèo khiến nhiều người chấp nhận bất trắc trong ngôi nhà nguy hiểm, và lửa đã cướp đi sinh mạng những người đang cố gắng vùng vẫy để vượt lên.

Nỗi đau mất đi 56 sinh mạng trong vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) 9 tháng trước vẫn đang là vết thương ứa máu của cộng đồng thì rạng sáng 24/5, cảnh thắt lòng xuyên đêm đưa hàng loạt thi thể nạn nhân ra khỏi khu nhà gặp hỏa hoạn lại diễn ra tại Trung Kính.

Ở các miền quê, lại có hàng nghìn gia đình mà con em đang mưu sinh tại Hà Nội hoảng loạn nhờ người hỏi han, tìm kiếm tung tích thân nhân vì không liên lạc được với họ sau khi nghe tin vụ cháy. Không có phép màu nào đến với gia đình 14 người xấu số.

Sự lặp lại của thảm kịch này khiến những câu hỏi đau đớn và bức xúc lại được đặt ra về quản lý phòng cháy chữa cháy, về trách nhiệm đối với an toàn bản thân của những người thuê trọ.

14 người bị lửa cướp mạng sống trong nhà trọ lúc vùng vẫy vượt qua cái nghèo- Ảnh 1.

Vụ cháy cướp đi sinh mạng 14 người trong 1 đêm.

Và rồi khi tìm câu trả lời, người ta đối mặt với một sự thật cũng gây đau lòng không kém: Sự luẩn quẩn của cái nghèo khiến cho rất, rất nhiều người lao động đang phải tặc lưỡi chấp nhận bất trắc khi sống trong những ngôi nhà nằm sâu trong hẻm, nơi không đảm bảo khả năng thoát thân khi có hỏa hoạn. Tất cả những người sống trong kiểu nhà trọ ấy đều nghèo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng nhìn nhận thách thức lớn trong việc rà soát các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) một cách triệt để theo xu hướng cấm hoạt động tất cả các công trình không đảm bảo tiêu chuẩn có số lượng khổng lồ ở Thủ đô. Ngoài việc chủ đầu tư mất nguồn thu nhập thì bản thân người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong các khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu?

Con người quý nhất sinh mạng của chính mình. Trong số nạn nhân của hai vụ cháy thương tâm, tin rằng nhiều người đủ hiểu biết để nhận ra nơi mình sống tiềm ẩn nguy cơ, nhưng khả năng tài chính chưa cho phép họ chi nhiều hơn cho chỗ ở. Tai họa không chờ đợi đến lúc họ vươn tới được một ngôi nhà an toàn hơn, đã cướp đi sinh mạng những người đang cố gắng vùng vẫy để vượt lên cái nghèo.

Đó là anh Ma Ngọc Tân người huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, vừa về quê chăm vợ phẫu thuật vài hôm đã phải cắn răng trở lại Hà Nội kiếm tiền, để rồi chết trong ngọn lửa. Vợ anh chưa bình phục sau ca mổ đã phải xin xuất viện sớm để chịu tang chồng. Gia đình thuần nông, bố mẹ già yếu, đứa con có được sau thời gian dài chạy chữa cho vợ còn quá nhỏ, người đàn ông 37 tuổi này buộc phải bám víu Hà Nội để mưu sinh, cuối mỗi tuần mới bắt xe khách về thăm nhà, không ngờ lần về chăm vợ bệnh lại là lần gặp cuối.

Không ai cầm được nước mắt khi nhìn cảnh bà con lối xóm người mang bó củi, người đưa một vài cân gạo đến căn nhà sàn của anh Tân dưới chân đồi để giúp lo hậu sự cho anh. Họ hàng, làng xóm đều nghèo, tuy đứt ruột không biết bố mẹ già, vợ yếu con thơ của anh sống thế nào sau khi mất đi người trụ cột, nhưng không biết làm sao để giúp.

14 người bị lửa cướp mạng sống trong nhà trọ lúc vùng vẫy vượt qua cái nghèo- Ảnh 2.

Người mẹ đau đớn đưa thi thể con về quê.

Đó là cặp trai gái Nguyễn Mai Xuân Hán - Phan Thị Thanh Hải quê Hà Tĩnh đã bị ngọn lửa hung tàn cướp đi tương lai khi chỉ còn chừng nửa năm nữa sẽ làm đám cưới. Họ đều tốt nghiệp đại học, cố bám trụ Thủ đô để vươn lên, trong đó Thanh Hải còn có sứ mệnh phụ giúp gia đình, một hộ nghèo ở huyện Đức Thọ.

Mẹ Thanh Hải bị bệnh nằm liệt một chỗ cả năm nay, còn bố cô bị ung thư gan, hai năm qua ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Con lớn đang phải lo cho gia đình nhỏ, hai ông bà chỉ trông cậy vào con gái út, thuốc thang của họ cũng do Hải gửi về. Không ngờ, đợt thuốc gần nhất chị gửi chưa tới tay bố mẹ thì tin dữ đã đến, khiến lá vàng phải khóc lá xanh.

Đó là cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn được 2 tháng và đang náo nức chờ đón đứa con đầu lòng, anh V.V.D. (26 tuổi người Hải Dương) và chị N.T.T.H. (23 tuổi, quê Bắc Ninh). Nhưng ngọn lửa không chỉ cướp đi sinh mệnh họ cùng thai nhi 3 tháng tuổi trong bụng, mà còn cướp đi chỗ dựa của cha mẹ già ở quê.

Nhà anh D. rất nghèo, bố làm nông nghiệp, còn mẹ là công nhân thời vụ tại công ty môi trường. Họ đang phải nuôi một con gái đi học và một con gái bị khuyết tật nặng.

Đó là cô gái quê Thái Bình có mẹ bị bệnh tim, bố đã mất vài năm trước đúng vào ngày cưới con gái lớn. Sáng sớm ngày xảy ra thảm kịch, đồng nghiệp chạy khắp các bệnh viện tìm tung tích cô rồi thẫn thờ khi biết điều họ sợ hãi nhất đã xảy ra. Sợ trái tim đau yếu của người mẹ cô không chịu nổi khi liên tục mất chồng và con gái, các đồng nghiệp của cô gái cứ lần lữa chuyện báo tin dữ.

14 người bị lửa cướp mạng sống trong nhà trọ lúc vùng vẫy vượt qua cái nghèo- Ảnh 3.

Người mẹ bật khóc khi hay tin con qua đời.

Đó là đôi bạn gái chơi với nhau từ thuở nhỏ tại làng quê ở Thạch Thất, Hà Nội, trọ chung một phòng rồi cùng nhau đón cái chết oan nghiệt khi phòng trọ bốc cháy, chị Vương Thảo L. 25 tuổi và chị Nguyễn Thị K.O. 28 tuổi. Trong đó, chị O. có gia cảnh khó khăn, người mẹ 50 tuổi là lao động tự do, bố là thợ nề, ốm đau thường xuyên.

Và những nạn nhân khác của vụ cháy nhà trọ Trung Kính, mỗi người một hoàn cảnh nhưng hầu như đều rất trẻ và là trụ cột gia đình. Ngọn lửa ác nghiệt không chỉ cướp đi của họ tương lai hứa hẹn mà còn vĩnh viễn phủ bóng đen lên cuộc sống của thân nhân họ.

Mấy ngày qua, người Việt Nam hướng đến những đồng bào xấu số của mình trong vụ cháy Trung Kính và thân nhân của họ với nỗi niềm môi hở răng lạnh, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Chúng ta không thể làm gì nữa cho người đã khuất, nhưng có thể phần nào giúp họ yên tâm an nghỉ khi biết những người thân yêu, ruột thịt của mình được hỗ trợ vượt qua khó khăn.

Mất đi người trụ cột, trong chặng đường dài dằng dặc phía trước, cuộc sống của những người già, người đau ốm, những đứa trẻ thơ trong các gia đình vốn đã khó khăn ấy càng gian nan gấp bội. Cần lắm sự giúp đỡ của cộng đồng để đứa con mồ côi không phải nghỉ học giữa chừng, để cha mẹ già đau bệnh không phải ngừng chữa trị, để người goá bụa không tuyệt vọng vì một mình gồng gánh gia đình, để những người bị thương do hỏa hoạn được chữa trị và hồi phục.

Không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mỗi sự giúp đỡ dù nhỏ còn là nguồn động viên to lớn để họ lấy lại động lực sống, nỗ lực vươn lên từ tro tàn của thảm họa này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại