LTS: Trong thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong khói lửa chiến tranh, đã xuất hiện nhiều lớp cán bộ điển hình, mẫu mực, có trình độ chỉ huy, tác chiến giỏi; luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một số bài viết đặc sắc trong cuốn sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân".
Kỳ này, kính mời độc giả đọc bài viết của tác giả Vũ Trọng Đại (Chủ biên và viết lời dẫn nhập cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy") về Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914 - 1986)
Tên thật: Lê Trọng Tố
Quê quán: Xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Ông tham gia cách mạng từ năm 1944, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và nhập ngũ năm 1945. Ông được phong Đại tướng năm 1984.
Đại tướng Lê Trọng Tấn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…
(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 599)
"Zhukov Việt Nam"
Đọc sách báo về Đại tướng Lê Trọng Tấn, tôi tâm đắc với đoạn tổng kết về ông trong một bài viết:
"Cuộc đời ông đã có mặt hầu hết ở các chiến trường nóng bỏng và đã chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả hai miền Nam - Bắc.
Dấu ấn hai mốc son lịch sử của ông năm 1954, ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 đã chỉ huy tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, tấn công từ phía Đông vào Mường Thanh, bắt sống tướng De Castries.
Năm 1975, ông lại là Tư lệnh, chỉ huy các binh đoàn cánh quân phía Đông tiến vào Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các, phải đầu hàng vô điều kiện.
Hai trận đánh, hai mốc son lịch sử đã kết thúc hai cuộc chiến tranh với quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, mở ra kỷ nguyên mới, hòa bình, thống nhất độc lập và tự do của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Hai trận đánh xứng đáng hai lần anh hùng…
Không thể kể hết công trạng quá dài của ông, người ta chỉ có thể ghi nhận điều cốt yếu: ông luôn được tin cậy để giao nhiệm vụ gây dựng nền móng ban đầu cho những công việc hệ trọng và mới mẻ.
Đại tướng Lê Trọng Tấn (Ảnh tư liệu/Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Không chiến trường nào không lưu dấu chân ông từ Bắc - Trung - Nam, không cuộc chiến tranh nào dù chống Pháp, chống Mỹ, chống bọn diệt chủng Pôn Pốt hay bảo vệ biên giới phía Bắc, lại không cần đến tài năng quân sự của ông.
Từ vai trò Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân cho đến Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng, ông là người thầy xứng đáng cho những sĩ quan thế hệ sau.
Nhưng đáng nói hơn, ông là tướng cầm quân và là tư lệnh của tất cả những chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất trên các chiến trường quyết định:
Từ miền Đông Nam Bộ như Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng...; đến chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, mặt trận Trị Thiên mùa hè 1972; tư lệnh cánh quân duyên hải, giải phóng Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là vào Sài Gòn sớm nhất vào mùa Xuân 1975... 70 tuổi Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn khoác áo lính ra trận".
Nói gì, viết gì về Đại tướng Lê Trọng Tấn đây khi đã có nhiều bài báo, nhiều sách vở phân tích, đánh giá về con người, nghệ thuật quân sự và những chiến công lẫy lừng của "Zhukov Việt Nam"?
Vài năm trước tôi cũng đã rất bối rối khi biên soạn một cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với những băn khoăn tương tự.
Tôi thử đối chiếu với những danh tướng của thế giới mong tìm ra một mẫu số chung. Tôi đặt vị tướng trứ danh của Việt Nam trong khung lý thuyết vĩ nhân của Herbert Spencer, ngay cả chiều ngược lại của những học giả phản bác thuyết ấy.
Dù ở chiều đánh giá nào, tôi vẫn thấy có những điểm vênh với nhân vật mà tôi đang tìm hiểu. Tôi chợt nhận ra rằng: bối cảnh lịch sử của xã hội vào một thời điểm cụ thể là điều kiện cho sự sản sinh ra những vĩ nhân, danh tướng, nhưng ngã rẽ của lịch sử theo chiều hướng nào lại do phẩm chất của vĩ nhân, danh tướng đó quyết định.
Caesar chọn con đường chinh phục, Võ Nguyên Giáp chọn con đường giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tướng Lê Trọng Tấn, người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi là "người bạn chí thiết" cũng đã chọn con đường tương tự như Anh Văn.
Bối cảnh lịch sử của hai danh tướng Việt Nam này như nhau, nhưng điều gì hun đúc nên phẩm chất của dũng tướng Lê Trọng Tấn?
Tôi quyết định tìm gặp con trai của Đại tướng Lê Trọng Tấn, ngõ hầu lý giải cho câu hỏi này.
Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. Ảnh tư liệu/An ninh thế giới
Lê Đông Hải là con trai duy nhất của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ông là Đại tá quân đội, Giáo sư, Tiến sĩ kỹ thuật quân sự, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ hưu năm 2004.
Lê Đông Hải học trường thiếu sinh quân từ nhỏ, sau đó trở thành quân nhân làm việc trong Đại đoàn 312 do chính Đại tướng Lê Trọng Tấn làm chỉ huy. Ngày 10 tháng 9 năm 1954, ông được nhà nước cử đi học ở Liên Xô. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đông Hải đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và giải thưởng Quốc gia.
Chưa gặp ông nhưng qua chuyện trò với anh Hoàng Anh Tuấn, cháu nội của Đại tướng Hoàng Văn Thái, tôi đã thầm thán phục ông về tài năng và ý chí phi thường.
Để chứng minh cho một nghiên cứu hóa học của mình, trong khi không muốn phương hại đến người khác, ông đã thí nghiệm trên chính bản thân, phải chịu đựng những đau đớn kinh hoàng. Thí nghiệm của ông đã thành công và cho đến nay ở tuổi 74, ông vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Đại tá Lê Đông Hải cùng vợ con (Ảnh: An ninh thế giới)
Hôm tôi tới tìm gặp, ông Lê Đông Hải ngay lập tức khiến tôi thấy hào hứng vì sự thân tình như đã quen biết từ lâu. Ông truyền cảm hứng cho người đối thoại qua từng câu chuyện, từng lời nói. Đứng ở giữa sân, ông nói về lai lịch căn nhà mà ông đang ở, cũng là nơi ở của Đại tướng Lê Trọng Tấn khi còn sống.
Căn nhà nằm gần cuối phố Lý Nam Đế, con phố được mệnh danh là phố nhà binh. Ông dẫn tôi lên tầng hai, ở đó có phòng làm việc và phòng ngủ của Đại tướng, giờ một phần trở thành nơi thờ và trưng bày hiện vật, tranh ảnh lưu niệm về Đại tướng.
Một số đồ đạc đã thay đổi vị trí, duy chỉ có chiếc giường ngủ là vẫn giữ nguyên. Trên chính chiếc giường này, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã ra đi, yên giấc ngàn thu.
Thắp cho Đại tướng Lê Trọng Tấn một nén nhang, tôi trở ra cùng ông ngồi trên bộ bàn ghế đơn sơ ở hành lang kề cửa sổ nhìn xuống dưới sân, uống trà, hút thuốc và nói chuyện về Đại tướng. Tôi phát hiện ra rằng ông Hải có lối nói chuyện rất dí dỏm, trải đời.
Ông khiến những chuyện hệ trọng trở nên giản dị, lôi cuốn, đi vào lòng người. Như trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn chẳng hạn.
Ông kể: trợ thủ đắc lực của Đại tướng Lê Trọng Tấn là các tướng Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Hoàng Đan là Đại tá, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2. Quân đoàn 2 chính là cánh quân tiến công thần tốc, đi sau về trước, giành được chiến công chiếm được Dinh Độc Lập vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Chuyện vui là trong chiến dịch, Hoàng Đan xin phép tướng Tấn nếu đánh chiếm được sẽ ngủ 1 đêm tại Dinh Độc Lập, coi đó như một phần thưởng. Thế mà Hoàng Đan làm thật. Khi ông Hải kể chuyện, tôi để ý thấy mắt ông hấp háy một nét cười tinh nghịch, trẻ trung.
Tôi hỏi ông Hải về những điều gì làm nên phẩm chất của bố ông, Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ông đồng ý với tôi là không có gì tự nhiên mà thành.
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói những đặc điểm hình thành nên phẩm chất của tướng Tấn đó là gốc gác căn bản của gia đình đồ nho; cuộc sống khắc nghiệt, bươn chải từ nhỏ dẫn tới tính quyết liệt trong hành động và kiến thức quân sự tích lũy từ thời Pháp thuộc cho đến sau này kinh qua các trường quân sự của Trung Quốc và Liên Xô.
Ông hẹn gặp tôi một buổi khác để nói cụ thể hơn, phần vì ông đang bận xem lại bản thảo cuốn sách sắp được xuất bản về Đại tướng Lê Trọng Tấn, phần vì để có thời gian chắp lại những mảnh ký ức về cha mình.
Đúng nửa tháng sau, tôi lại đến gặp ông. Ông tiếp tôi vẫn với sự nhiệt tình ban đầu. Ông nói ngay mấy ngày qua bận vì phải tiếp nhiều đoàn đến thắp hương cho Đại tướng Lê Trọng Tấn nhân dịp 22 tháng 12.
Chúng tôi lại ngồi ở chiếc bàn kề cửa sổ. Tôi nhắc lại về lời hẹn của ông hôm nọ. Ông Hải bắt đầu kể, những điều ông được nghe lại và những điều chính ông chứng kiến về cha mình, từng đoạn từng đoạn hồi ức lần lượt xuất hiện như những thước phim quay chậm về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng lừng danh...
Đại tướng Lê Trọng Tấn (Ảnh tư liệu/VOV)
Người đánh hiệp đồng binh chủng ít ai bằng
Truyền thống hiếu học của gia đình là nền tảng căn bản khiến Đại tướng Lê Trọng Tấn dù ở môi trường nào cũng ra sức học hành, tiếp thu kiến thức. Ông đã học qua trường hạ sĩ quan của Pháp, nhờ thế áp dụng được vào thực tế cách mạng khi phụ trách quân sự của Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông vào thời điểm tháng 8 năm 1945.
Về sau, trong các năm từ 1954 đến 1957, ông tự học về nghệ thuật quân sự ở Trung Quốc. Năm 1961, ông học ở Học viện quân sự Voroshilov ở Liên Xô, đến năm 1963 thì tốt nghiệp.
Ông cũng không ngừng tự học, tự đúc rút các kinh nghiệm trên chiến trường. Học hỏi bằng nhiều cách, kể cả học chính quy và tự học, cộng với tài năng thiên bẩm về quân sự, đó chính là lý do khiến Lê Trọng Tấn luôn tìm ra những cách đánh sáng tạo, khiến quân địch hết sức bất ngờ, khiếp sợ.
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. (Ảnh tư liệu/An ninh thế giới)
Kiến thức quân sự vững chắc đi kèm với tài chỉ huy của ông là cơ sở của ý kiến cho rằng tướng Tấn là người đánh hiệp đồng binh chủng ít ai bằng.
Ví dụ điển hình là chiến dịch Trị Thiên năm 1972 mà ông là Tư lệnh. Đây là trận hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, triển khai thành 4 cánh quân với sự tham gia của các binh chủng xe tăng, pháo binh, tên lửa, đặc công, hóa học…
Kết quả quan trọng mà chiến dịch này đem lại đã dẫn đến việc kí kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt sự dính líu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Điểm yếu của một Đại tướng
Ông Hải nói ở nhà ít khi nghe thấy Đại tướng Lê Trọng Tấn kể chuyện kham khổ thời nhỏ. Ông Hải được nghe kể lại ông nội mất sớm khi bố ông mới 7 tuổi, bà nội phải tần tảo nuôi các con. Gia cảnh lúc ấy rất khó khăn.
Nhà trồng nhiều ổi, bà nội hái đi bán để lấy tiền đóng học phí cho con. Thời niên thiếu của Lê Trọng Tấn là những ngày tháng phải vẽ tranh, học múa võ, bán bánh mì để kiếm sống. Nhưng ông trời không lấy đi hết mọi thứ.
Cuộc sống chật vật, túng thiếu là thế nhưng bù lại Tấn rất khỏe. Trong số 5 anh em, Tấn là người khỏe nhất. Có sức khỏe nên ông không chịu nhịn trước cường quyền.
Sự bươn chải từ sớm giúp ông rèn giũa nghị lực và tính quyết đoán. Ông nóng tính và quyết liệt khi làm việc.
Tuy vậy nhưng ông lại có khả năng hòa hợp với các tính cách khác nhau. Đơn cử như trong cuộc đời binh nghiệp, song hành với vai trò tư lệnh của ông là các chính ủy khác nhau như Song Hào, Lê Quang Đạo, Trần Độ…
Với ai, hầu như ông cũng giành được sự tin cậy và kính trọng. Không chỉ trong quân đội mà ngoài đời, ông luôn được họ hàng, láng giềng, nhân dân các địa phương nơi ông từng chiến đấu yêu mến.
Trung tướng Trần Độ, một người gắn bó với Đại tướng Lê Trọng Tấn qua nhiều chiến dịch, khi tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng đã nhận xét:
"Anh Tấn ơi! Anh đã sống rất đẹp. Cái đẹp ấy không phải chỉ ở những chiến công, ở quân hàm Đại tướng và ở những huân chương. Anh sống đẹp vì anh đã có tinh thần trách nhiệm cao, anh tận tụy hoàn thành các nhiệm vụ, anh được nhiều người yêu mến, tin cậy.
Anh không phải bực mình vì ai, không phải ghét ai, mà anh chỉ có tôn trọng và thương yêu. Cái đẹp ấy của cuộc đời anh để lại là quý giá vô cùng".
Đấy cũng là những điều mà ông Hải coi là hạnh phúc nhất trong cuộc đời cha mình. Nhưng ông Hải không quên nói về những thứ mà ông cho là điểm yếu của cha.
Đại tướng Lê Trọng Tấn không có cuộc sống gia đình được như một người bình thường nhất. Ông toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Thời gian ông ở mặt trận gấp nhiều lần thời gian ông ở nhà. Nên khi mất, Đại tướng Lê Trọng Tấn thương nhất là vợ mình.
Cái sôi nổi trong giọng nói của ông Lê Đông Hải biến mất. Lúc này tôi nghe ông nói mà giọng cứ rưng rưng.
Bài viết được trích từ bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xuất bản và phát hành.
Cuốn sách kể lại quá trình hoạt động cách mạng, công tác và cuộc sống đời thường, cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.
Các bài viết cùng tuyến đã được đăng tải:
Những câu chuyện ít biết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua lời kể của con gái