Một ngày cuối thàng 6, cửa hàng quần áo rộng 2.400 m2 tại trung tâm mua sắm Vincom trên đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) chật kín người.
Chưa rõ có mua được gì hay không, cũng chưa rõ sản phẩm ưa thích còn hay hết, chỉ riêng thông tin Zara tổ chức đợt giảm giá lớn nhất trong năm đã đủ sức kéo hàng loạt khách hàng Việt, chủ yếu là cánh chị em phụ nữ đến săn lùng.
Dù đã cầm trên tay hai chiếc váy liền và một chiếc áo bèo nhún thêu hoa, chị Hiền (quận 4, TPHCM) vẫn chưa có ý định dừng lại. Chị chậm rãi đi qua từng giá treo, lựa đồ rồi ướm thử lên người, trước khi gọi nhân viên lấy cho cỡ phù hợp.
“Đã mất công đến đây tranh thủ đợt sales nên mình cố gắng mua càng nhiều càng tốt. Đồ Zara nhiều mẫu thời trang mà vẫn hợp với dân văn phòng như mình, sau khi sales cũng chỉ còn khoảng 400.000 - 500.000 đồng nên mình rất thích”, chị Hiền cho biết.
Dù chỉ là “hàng hiệu bình dân”, nhưng không thể phủ nhận các hãng thời trang nhanh như Zara, H&M, Topshop hay Mango đang là những thương hiệu hấp dẫn với nhiều người khách hàng trong nước.
Nếu như trước đây, muốn mua đồ Zara, người dùng Việt thường phải nhờ bạn bè xách tay trực tiếp từ nước ngoài về hoặc đặt hàng online qua một số người bán trên Facebook, thì nay người ta đã có cơ hội đến tận cửa hàng lựa chọn, mặc thử trước khi ra quyết định.
Chị Hiền tỏ ra khá hào hứng vì sắp tới, hai thương hiệu khác là H&M của Thụy Điển và Uniqlo của Nhật Bản cũng đổ bộ vào Việt Nam thông qua cửa hàng tại TPHCM.
“Càng nhiều thương hiệu, người tiêu dùng như mình càng dễ lựa chọn”.
Dòng người xếp hàng trước cửa phòng thử đồ tại cửa hàng Zara trong ngày khai trương 9/9. Ảnh: Thế Trần.
Một thống kê chưa đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh thời trang cho thấy đến thời điểm hiện tại, gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường.
Ở một quốc gia với dân số hơn 90 triệu người và tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dệt may 15 – 20% mỗi năm, việc đã và đang có nhiều thương hiệu ngoại liên tiếp xuất hiện là điều không thể tránh khỏi.
Doanh nghiệp Việt ở đâu trong cơn bão hàng ngoại?
Việt Nam nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng trớ trêu là thị trường dệt may nội địa lại bị thâu tóm bởi những nhãn hiệu đến từ nước ngoài. Chỉ 20% các trong số 6.000 doanh nghiệp dệt may chú ý tới thị trường nội địa, nhưng các doanh nghiệp này cũng chỉ làm với 20% “công lực”, còn lại vẫn hướng về xuất khẩu.
Khi nhu cầu người Việt chuyển từ “ăn chắc mặc bền” sang “ăn ngon mặc đẹp”, không ít doanh nghiệp dù có năng lực sản xuất nhưng vẫn “hụt hơi” vì yếu trong khâu thiết kế và R&D, sản phẩm làm ra mẫu mã kém nên bị khách hàng quay lưng.
“Người ta nói người Việt sính ngoại nhưng thực tế tôi thấy hàng thời trang ngoại kiểu dáng đẹp, thiết kế đa dạng, chỉ một cái áo sơ mi nhưng biết biến tấu thêm chi tiết thêu tay hoặc phối voan, phối ren, nhìn thích mắt hơn bao nhiêu. Hàng trong nước thường không được như thế”, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa phân trần vừa lắc đầu.
Cái lắc đầu của chị Hoa cũng như của các khách hàng Việt Khác đã đẩy nhiều thương hiệu thời trang trong nước từ đỉnh cao huy hoàng sang thời kỳ “khốn đốn’.
Xuất hiện trên thị trường từ năm 1999 với định vị ở phân khúc trung cấp, đến năm 2007, Foci (thuộc công ty Thời trang Nguyên Tâm) đã mở đến 60 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, toàn hệ thống cửa hàng của Foci đóng cửa và chuyển hẳn sang bán hàng qua mạng, kết hợp hình thức may gia công đồng phục.
Ninomaxx, thương hiệu đình đám một thời đã từng có lúc xây dựng được hệ thống 200 cửa hàng trong cả nước nay nhưng đến năm 2012 đã phải tái cấu trúc và đóng cửa hàng loạt điểm bán. Hiện tại, Ninomaxx chỉ tập trung vào 64 cửa hàng và hoạt động chủ yếu ở khu vực phía Nam.
Trong bối cảnh đời sống ngày một nâng cao và yếu tố thời trang ngày càng được khách hàng quan tâm bên cạnh yếu tố giá cả phù hợp, sự cạnh tranh từ thương hiệu nước ngoài có thể “giết chết” doanh nghiệp này, nhưng cũng là “đòn bẩy” đẩy một số doanh nghiệp khác theo hướng thay đổi và phát triển.
Có thể thấy Canifa là ví dụ điển hình. Những năm gần đây, thương hiệu thời trang của công ty cổ phần Thương Mại và dịch vụ Hoàng Dương nổi lên như một hiện tượng. Từ một đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm len sợi cho thị trường miền Bắc, Canifa nhanh chóng mở rộng sang những chất liệu phổ thông khác như cotton, kaki, jeans…
Thương hiệu này cũng rất “chịu khó” hợp tác với các chương trình truyền hình như Project Runway, Vietnam Next Top Model. Cũng từ những cuộc thi này, Canifa có cơ hội làm việc với nhiều nhà thiết kế thời trang trẻ, các sản phẩm đi theo hướng trẻ trung và gần gũi hơn với khách hàng.
“Một động từ mà chúng tôi thường nói với nhau bây giờ là nhanh, bởi xu hướng bây giờ thay đổi một cách chóng mặt. Nếu không hiểu và vận dụng một cách linh hoạt thì rất khó để tồn tại”, bà Đoàn Thị Ngọc Bích, CEO Canifa chia sẻ.
Rõ ràng, sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài là “lửa thử vàng”, để các doanh nghiệp thời trang Việt Nam tiến hành một cuộc đại tu từ thiết kế, sản xuất, phân phối đến marketing. Chỉ những doanh nghiệp xác định hướng đi đúng, nắm vững nhu cầu khách hàng, chịu khó thay đổi và học hỏi mới có thể tiếp tục tồn tại.
Từ giờ cho đến thời điểm ấy, đừng trách khách hàng Việt "sính ngoại", vì như chị Hoa, nhân vật được nhắc đến trong bài, khẳng định: “Chúng tôi chỉ là khách hàng, sản phẩm nào đẹp, giá tốt thì chúng tôi mua thôi”.