"Chiếc giường" bẩn và hỗn độn
Theo nhà bình luận Alex Fishman trên tờ Ynetnews (Israel), để làm vừa lòng các nước châu Âu và thỏa mãn bản thân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến "chiếc giường" Syria bị vấy bẩn và trở nên hỗn độn.
Tuy nhiên, ai vẫn sẽ phải nằm lên chiếc giường đó sau khi Mỹ đã tỉnh giấc và rời đi? Tất nhiên, đó là Israel.
Đối với Israel mà nói, những gì xảy ra đêm 13/4 (theo giờ địa phương) không thể giúp họ cải thiện chút nào tình thế hiện nay. Israel vẫn ở nguyên vị trí trong cuộc xung đột leo thang với Iran.
Ngoài ra, cuộc không kích của liên quân Anh-Pháp-Mỹ không hề làm suy yếu Tổng thống Syria Bashar Assad.
Trái lại, cuộc tấn công chỉ làm củng cố thêm cam kết của Nga đối với chính quyền Assad, và giờ đây Nga đã sẵn sàng thảo luận về việc cung cấp cho Syria các tên lửa phòng không tiên tiến S-300, thậm chí là S-400 – những nhân tố có thể cản trở Không quân Israel thọc sâu vào Syria.
Viện cớ chính quyền Assad dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường, Mỹ đã tiến hành không kích Syria. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất và tích trữ chất hóa học tại Latakia không bị tấn công, bởi có lực lượng Nga ở đó.
Lý do để liên quân Anh-Pháp-Mỹ tiến hành vụ không kích là cáo buộc quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, khiến 40 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em.
Song, nhà bình luận Alex Fishman gọi đây là hành động "đạo đức giả", bởi Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ít nhất 6 lần sau vụ tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat (Syria) hồi tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, những sự vụ này lại không được Mỹ "làm ầm lên" như những nạn nhân trong vụ tấn công hóa học tại Duma.
Vụ không kích của liên quân không nhằm mục đích thay đổi tình hình, lật đổ chính quyền Assad hay ít nhất là gây ra tổn thất lớn cho quân chính phủ Syria. Đây chỉ là một đòn trừng phạt mang tính biểu tượng, tránh những nguy cơ có thể dẫn tới xung đột trực diện với Nga.
Hải quân Mỹ công bố video tàu USS John Warner phóng tên lửa hành trình tấn công Syria
3 ngày trước khi diễn ra cuộc không kích của liên quân, Nga vẫn cảnh báo sẽ đáp trả không chỉ các tên lửa bắn vào Syria, mà còn cả những phương tiện (tàu chiến, máy bay) đã phóng đi các tên lửa này.
Khi đó, Moscow cũng đã dự đoán Mỹ thực ra không có kế hoạch tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Và quả đúng như vậy, không một tàu sân bay nào của Mỹ có mặt trong khu vực. Tàu sân bay USS Harry S. Truman, rời Virginia từ ngày 11/4, phải tới cuối tuần này mới đến Địa Trung Hải.
Kế hoạch tấn công mà Mỹ chuẩn bị cũng không quá tinh vi. Theo bộ các chiến dịch của quân đội Nga, liên quân đã tấn công các cơ sở tại 6 sân bay và 2 mục tiêu khác, bao gồm một cơ sở trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu & Phân tích Khoa học (SSRC) và một căn cứ quân sự ở al-Kiswa, cả hai đều ở gần Damascus.
Tất cả đều là "các mục tiêu mềm" – gồm kho và phòng thí nghiệm để sản xuất các chất hóa học.
Kế hoạch này nhằm lẩn tránh các hệ thống phòng thủ của Nga và sử dụng các loại vũ khí dẫn đường chính xác, chủ yếu là Tomahawk – loại tên lửa không thể phá hủy hoàn toàn đường băng hay xuyên phá các boong-ke kiên cố.
Vệt sáng trên bầu trời Damascus đêm 13/4.
Phần đáng chú ý nhất trong cuộc tấn công của liên quân không phải ở khía cạnh quân sự, mà ở khía cạnh ngoại giao: Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, có tới 3 quốc gia cùng phát động một chiến dịch quân sự kết hợp nhằm vào mục tiêu không phải IS.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết Nga đã được thông báo trước về vụ tấn công. Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và về cơ bản, bất cứ bên nào liên quan tới Syria đều được thông báo một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Không có gì ngạc nhiên khi trong tuyên bố đầu tiên đưa ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã không sử dụng tới các hệ thống phòng không (dù trước đó họ đe dọa sẽ triển khai) bởi các tên lửa hành trình Mỹ không bay vào không phận trách nhiệm của các hệ thống phòng không Nga.
Người Mỹ đã rất thận trọng, các cơ sở sản xuất và cất trữ chất hóa học tại Latakia không bị tấn công, bởi lực lượng Nga hiện diện ở đó.
Kết quả, cuộc tấn công hạn chế này chỉ dừng lại ở mức độ thấp nhất có thể tưởng tượng được. Những tuyên bố hùng hồn của Tổng thống Trump hoàn toàn tỷ lệ nghịch với những tổn thất mà cuộc không kích gây ra cho Syria.
Và nếu điều đó chưa đủ bẽ bàng thì Bộ Quốc phòng Mỹ còn đưa ra một tuyên bố đáng xấu hổ hơn khi nói rằng: "Đây là cuộc tấn công một lần". Điều đó có nghĩa dù mục tiêu không bị phá hủy và một số lượng đáng kể tên lửa hành trình bị đánh chặn, thì Mỹ cũng không có ý định sẽ tấn công các cơ sở đó một lần nữa.
Họ không quan tâm tới kết quả. Cuộc tấn công này chỉ nhằm thực hiện nghĩa vụ mà thôi.
Thế "kẹt" của Israel
Và như thể để cho thấy rõ rằng "chúng tôi" (Israel) đang mắc kẹt trong một tình thế mang tính chiến lược, trước khi liên quân tiến hành không kích Syria, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đưa ra một tuyên bố khó hiểu rằng, máy bay không người lái của Iran mà nước này bắn hạ hôm 10/2 có mang chất nổ.
Mảnh vỡ của máy bay không người lái Iran.
Vào thời điểm chiếc máy bay không người lái (UAV) bị bắn hạ, chúng ta chưa hề rõ sự tình và cũng chưa hiểu tất cả những lùm xùm xung quanh chiếc máy bay này là gì để đến mức đẩy Israel tới một cuộc xung đột trực diện với Iran?
Nhưng sau tuyên bố của Israel, mọi việc dường như đã rõ: Chiếc UAV vũ trang được lên kế hoạch phát nổ nhằm vào một mục tiêu nhất định tại Israel, nó mang theo thông điệp rõ ràng rằng Iran sẽ không chấp nhận "luật chơi" mà Israel đã chỉ định tại Syria.
Máy bay không người lái của Iran là đòn đáp trả và đe dọa đối với Israel vì đã tấn công vào các cơ sở của Iran tại Syria.
Do căn cứ đóng của những UAV vũ trang này là căn cứ không quân T-4 của Syria nên theo quan điểm của Israel, T-4 trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp, cũng giống như các cơ sở sản xuất vũ khí dẫn đường chính xác và tuồn lậu vũ khí sang Lebanon.
Giờ đây Israel đang chuẩn bị cho khả năng Iran sẽ trả đũa vụ 7 nhân viên vận hành UAV thiệt mạng trong cuộc tấn công căn cứ không quân T-4 hôm 9/4.
Để đáp trả, Iran có thể huy động trực thăng phóng tên lửa Kornet từ khoảng cách 5km ở biên giới Syria hoặc Lebanon và tấn công các xe quân sự của IDF, hoặc triển khai UAV vũ trang để tấn công một mục tiêu quân sự nhất định của Israel. Cũng có thể họ sẽ phóng rocket hoặc tên lửa đất-đối-đất.
Dù là bất cứ tình huống nào thì các quan chức quốc phòng đều cảnh báo rằng Israel sẽ vấp phải một sự đáp trả dữ dội từ phía Iran. Một cuộc chiến tranh toàn diện có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc vào con số thương vong của Israel.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà bình luận Alex Fishman