Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế tại nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hàng không đóng cửa, ngành dịch vụ đóng băng, doanh nghiệp chịu tổn thất nhiều chưa từng thấy.
Dù đại dịch chưa chấm dứt, nhưng yêu cầu cách ly xã hội về cơ bản đã được gỡ bỏ. Dĩ nhiên, cuộc sống của chúng ta vẫn chưa thể trở lại bình thường ngay được. Bạn vẫn cần phải hạn chế ra ngoài, cần duy trì khoảng cách giữa người với người, đồng thời phải duy trì thói quen đeo khẩu trang cũng như giữ tiêu chuẩn vệ sinh cơ bản theo khuyến nghị của bộ y tế (rửa tay, khử trùng thường xuyên). Dẫu vậy, đây vẫn là thời điểm tất cả cần chung tay giúp đỡ đất nước sau những tổn hại đã quá rõ ràng từ đại dịch.
Nhưng làm thế nào? Câu trả lời đến từ việc "mua hàng nội địa".
Mua hàng nội địa - cách hiệu quả nhất để giảm đau cho nền kinh tế
Bài viết trên Times của tác giả Judith D. Schwartz có đề cập về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ở thời điểm ấy, khắp nơi tại bang Arizona (Mỹ) lan tỏa thông điệp: "hãy hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương". Và theo các nhà kinh tế học, việc mua hàng nội địa có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với một nền kinh tế.
Về cơ bản, khi bạn mua món đồ sản xuất tại nội địa, bạn đã gián tiếp để tiền được lưu hành trong cộng đồng. New Economics Foundation (NEF) - một tổ chức tư vấn kinh tế tại London (Anh) đã thử so sánh việc khi mọi người mua sắm rau củ tại siêu thị - chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu - so với việc mua nông sản địa phương, kết quả cho thấy lượng tiền lưu hành trong cộng đồng nhiều hơn gấp đôi đối với lựa chọn thứ 2.
"Điều đó có nghĩa, hiệu quả từ việc mua sắm nội địa sẽ lớn gấp đôi, qua đó giúp cho nền kinh tế được vận hành hiệu quả hơn," - trích lời David Boyle, tác giả nghiên cứu của NEF.
Cũng theo Boyle thì trên thực tế, nền kinh tế tại các địa phương sẽ gặp khó khăn không chỉ vì có quá ít tiền mặt, mà còn nằm ở việc điều gì thực sự sẽ xảy ra với số tiền ấy.
"Tiền giống như máu vậy, cần phải được lưu thông để giúp nền kinh tế vận hành," - Boyle cho biết. Khi tiền được chi tiêu ở một nơi khác, nó sẽ chảy ra ngoài, giống như cơ thể lúc bị thương.
Theo Susan Witt, giám đốc điều hành của Hội kinh tế E.F. Schumacher, việc mua hàng nội địa còn có một tác dụng khác. Kể cả nếu sản phẩm nội địa có giá cao hơn, nhưng nó mang lại sự cải thiện cơ hội việc làm, giúp người lao động giữ được công việc của mình trong bối cảnh suy thoải kinh tế. Hiệu ứng này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài, khi giúp cho các công ty nội địa trở nên mạnh mẽ hơn, tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Trên thực tế, không một quốc gia nào chỉ nên dựa vào sản phẩm nội địa, vì làm như vậy sẽ khiến cộng đồng trở nên tách biệt, về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng xấu. Tuy nhiên theo Witt, khi kinh tế gặp khó khăn, việc hỗ trợ hàng hóa địa phương sẽ giúp "tái tạo sự đa dạng của các doanh nghiệp nhỏ", để thay đổi và đáp ứng điều kiện của thị trường.
Một luận điểm khác, đó là việc ủng hộ hàng nội địa sẽ làm tăng tốc độ lưu thông của tiền. Tiền lưu thông nhanh hơn, tức là nhiều người sở hữu nó hơn, và càng nhiều người được hưởng lợi ích của tiền. "Khi mua hàng hóa từ doanh nghiệp nội địa thay vì từ các chuỗi thương hiệu nước ngoài, nghĩa là các chuỗi của hàng ấy khó mà kiếm được nhiều lợi nhuận," - trích lời David Morris, Phó chủ tịch viện nghiên cứu kinh tế tại Minneapolis và Washington, D.C.
"Nghĩa là chi phí họ bỏ ra sẽ phải nhiều hơn: từ in ấn, marketing, trả lương... và qua đó gián tiếp đẩy tiền quay trở lại cộng đồng."
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bên cạnh đó còn mang đến vô số những hiệu ứng quan trọng. Doanh nghiệp phát triển được sẽ giúp nền kinh tế ổn định, thuế không cần phải tăng, ngân sách đủ để đầu tư vào giáo dục và y tế. Tổn hại từ môi trường cũng giảm bớt do bớt được chi phí vận chuyển.
Trong một giai đoạn suy thoái, mua hàng nội địa là cách để giảm đau cho nền kinh tế đất nước. Như Boyle nhận xét: "Đối với cộng đồng, đó sẽ là phương án hiệu quả nhất, vì vấn đề không phải là bạn có bao nhiêu tiền, mà bạn giữ lại bao nhiêu tiền cho nền kinh tế, trước khi nó chảy ra chỗ khác."