Nhận thức rõ về vị thế của mình ở khía cạnh an ninh và địa chính trị, Nga và Trung Quốc đều đang nói với các đối tác của Mỹ rằng họ không cần phải lựa chọn giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ, mà thay vào đó, họ có thể làm việc với tất cả các bên.
Ngược lại, Mỹ - với thế “trên cơ”, lại đang đòi hỏi các đồng minh hiệp ước như Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn bên. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng các lợi ích của nước này sẽ được phục vụ tốt hơn thông qua hành động cân bằng giữa các nước lớn.
Trong cuộc cạnh tranh siêu cường thời Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy mối đe dọa từ những tính toán địa chính trị của Liên Xô. Cũng chính điều này đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng tay của các nhóm phương Tây – trong đó quan trọng nhất là NATO năm 1952.
Tuy nhiên, không giống như thời Chiến tranh Lạnh, ở thời điểm hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ không nhận thấy có mối đe dọa từ Nga, mà nhận thấy có nhiều cơ hội hơn. Dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng mạnh mẽ, những nước như Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận thấy mình ngày càng đối mặt với những lựa chọn khó khăn, mỗi bên đều có cái giá và hậu quả nhất định. Điều này sẽ trở thành là phép thử quan trọng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, và rộng hơn là mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.
Một khi quan hệ đối tác của Mỹ với người Kurd ở Syria được đặt sang một bên, chính sách Trung Đông của chính quyền Biden không còn thù địch với các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Lập trường ngày càng chỉ trích Saudi Arabia và Ai Cập của Tổng thống Joe Biden, cũng như kế hoạch đảo ngước chính sách sức ép tối đa nhằm vào Iran lại phù hợp với các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
5 vấn đề đang là phép thử đối với mối quan hệ Mỹ-Thổ: Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và dẫn tới các lệnh trừng phạt của Washington đối với Ankara; người Kurd ở Syria; khủng hoảng Đông Địa Trung Hải; vụ kiện nhằm vào ngân hàng Halkbank thuộc sở hữu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran; và quan điểm của chính quyền Biden đối với các diễn biến trong nước và vấn đề nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Khủng hoảng S-400
Trong số 5 vấn đề trên, cuộc khủng hoảng S-400 phủ bóng tất cả các vấn đề còn lại. Thương vụ mua bán S-400 cho thấy mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khoét sâu sự bất ổn trong mối quan hệ Mỹ-Thổ.
Trên quan điểm của Mỹ, thương vụ này cho thấy rõ quan điểm địa chính trị mới của Thổ Nhĩ Kỳ: xa cách với phương Tây và gần gũi với Nga.
Trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Donald Trump đã áp lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Với Ankara, việc chính quyền Trump, chứ không phải chính quyền Biden, áp lệnh trừng phạt với nước này có lẽ lại là một điểm để nhìn theo hướng “tích cực”. Bởi nếu đây là một trong những động thái đầu tiên của chính quyền mới, thì nó sẽ càng gây hại cho mối quan hệ song phương vốn đã nhiều bất đồng.
Dù vậy, những biện pháp trừng phạt này lại là những rào cản lớn trong mối quan hệ giữa 2 đồng minh NATO. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc dỡ bỏ trừng phạt và ngăn chặn việc áp lệnh trừng phạt mới sẽ là vấn đề hàng đầu trong các cuộc trao đổi giữa đôi bên. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã để ngỏ “mô hình Hy Lạp” như một cách giải quyết cuộc khủng hoảng S-400, đề cập rằng Hy Lạp triển khai hệ thống S-300 do Nga sản xuất ở Crete và chỉ sử dụng theo cách rất hạn chế.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì quan điểm rằng để dỡ bỏ trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ phải đảo ngược hoàn toàn quan điểm về vấn đề S-400. Nhưng nếu đáp ứng yêu cầu này của Washington, Ankara chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều rắc rối trong quan hệ với Moscow. Do vậy, S-400 chắc chắn sẽ vẫn là “mồi lửa” đối với cuộc khủng hoàng kéo dài trong quan hệ Mỹ-Thổ.
Tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải
Trong vấn đề Đông Địa Trung Hải, những điểm yếu ngày càng lộ rõ của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với triển vọng thắt chặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách giảm leo thang trong khu vực. Mục đích trước mắt là tránh các lệnh trừng phạt của EU tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tháng 3 tới và một cuộc khủng hoảng với chính quyền Biden.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây không điều thêm tàu khảo sát tới các vùng biển tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải. Ankara và Athens cũng đã khởi động vòng đối thoại thăm dò mới sau 5 năm gián đoạn. Những cuộc đối thoại này là quan trọng để chuyển trọng tâm của bất đồng từ các động thái quân sự tiềm tàng sang đàm phán, nhưng tình hình vẫn căng thẳng và có thể dễ dàng leo thang trở lại – điều mà giới ngoại giao châu Âu chắc chắn sẽ phải tìm cách ngăn chặn.
Tuy nhiên việc giảm leo thang có ý nghĩa như thế nào ở giai đoạn này? Các yếu tố tức thì bao gồm một thỏa thuận về việc khai thác năng lượng ở các vùng biển tranh chấp và đối thoại giữa 2 bên. Nói cách khác, giới ngoại giao và trung gian châu Âu trước tiên sẽ tìm cách khôi phục đàm phán giữa Ankara và Athens, vốn đã đạt được 1 phần thông qua đối thoại thăm dò sơ bộ. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải không có hoạt động thăm dò nào ở vùng biển tranh chấp trong thời gian này.
Câu hỏi tiếp theo là: làm thế nào để việc giảm leo thang này trở thành lâu dài? Trước tiên, EU cần tìm cách tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải. Nếu điều này là không khả thi, châu Âu cần đặt ta một cơ chế 3 bên trong đó các nước thành viên diễn đàn, EU và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách tốt hơn đề giải quyết bất đồng.
Thứ hai, EU cần mở rộng tầm nhìn năng lượng xanh của mình tới các nước Đông Địa Trung Hải. Cả 2 bước này sẽ không thể đạt được trong một sớm một chiều, nhưng nếu không thực hiện, việc giảm căng thẳng sẽ khó tồn tại lâu dài.
Quan hệ Mỹ-Thổ trong cuộc cạnh tranh nước lớn
Trong khi đó, việc chính quyền mới ở Mỹ sẵn sàng lên tiếng về sự thoái trào dân chủ và vi phạm nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thúc đẩy sự đối đầu giữa hai nước.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc “xoáy” vào vấn đề dân chủ và nhân quyền có thể đồng nghĩa với thông điệp rằng: cơ chế Trump - vốn không mấy lo ngại về các diễn biến trong nước và vi phạm dân chủ [ở Thổ Nhĩ Kỳ], đã kết thúc. Nói rộng hơn, nó có thể sẽ tạo thành một phần không thể thiếu của bất kỳ cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống nào [giữa Mỹ] với Trung Quốc hoặc Nga.
Danh sách những cuộc khủng hoảng đe dọa mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ ngày càng dài thêm. Thời chính quyền Trump, Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn được “bảo vệ” khỏi những cơn thịnh nộ hoặc các hành động trừng phạt của các thể chế Mỹ. Tuy nhiên, thời chính quyền Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ khó nhận được sự “dễ dàng” tương tự.
Trong thời chính quyền mới, mối quan hệ giữa Nhà Trắng với các thể chế của Mỹ sẽ hài hòa hơn. Trong khi đó, mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các thể chế và Quốc hội Mỹ sẽ khiến Ankara sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Sự hội tụ ngày càng tăng giữa Mỹ và châu Âu sẽ càng làm giảm hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong số các cuộc khủng hoảng kể trên, không có cuộc khủng hoảng nào có thể sớm tìm ra giải pháp. Bất chấp tầm quan trọng của từng vấn đề riêng lẻ, tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu sẽ được quyết định bởi bản chất của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn trên thế giới, cũng như độ sâu của mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc và Nga./.