Khi học tiểu học, những bài văn tả người thân trong gia đình vốn dĩ quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Thông thường, đó sẽ là những lời "có cánh" ca ngợi vẻ đẹp ngoại tình, tình yêu của bố, mẹ với con cái. Nhưng mới đây, tại Trung Quốc, một câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra thu hút sự chú ý của dư luận.
Khi được cô giáo yêu cầu viết đoạn văn về gia đình, cô bé nọ chỉ miêu tả tình yêu đối với mẹ một cách trìu mến mà không hề nhắc đến cha mình. Người bố rất ghen tị, anh nói với con gái: "Con phải cho cả bố vào chứ? Yêu bố và mẹ đều như nhau mới phải?". Thế nhưng, cô bé bất ngờ trả lời: "Bố không có tình yêu".
Nhìn ông bố tức giận đến mất trí và nói năng ngọng nghịu, nhiều cư dân mạng vừa thương vừa buồn cười. (Ảnh cắt từ clip)
Anh chưng hửng, cố biện bạch: "Sao bố không yêu con? Con lớn lên thế nào? Quần áo lấy đâu ra? Đi du lịch thế nào? Lấy đâu ra tiền chơi trò chơi? Ăn bánh uống sữa? Ngôi nhà từ đâu ra". Người bố tức giận liệt kê một danh sách dài, nhưng cô con gái lại nhẹ giọng đáp lại: "Mẹ mua hết rồi!". Cuối cùng, ông bố không kìm được tức giận, hét lên: "Viết ra ngay cho bố, xem thử con yêu bố như thế nào?".
Nhìn ông bố giận đến mất trí và nói năng ngọng nghịu, nhiều cư dân mạng vừa thương vừa buồn cười. Tuy nhiên, hầu hết cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến cô con gái phản ứng như vậy có thể do người cha quá lơ là nuôi dạy con cái.
Theo một khảo sát, những ông bố ở đất nước tỷ dân hầu như không có thời gian ở một mình với con cái. Số ông bố dành thời gian cho con không quá 1 giờ mỗi ngày chiếm hơn 30%, cùng con 1 đến 2 tiếng mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 32,5%. Từ cuộc khảo sát này có thể thấy rằng nhiều ông bố vắng mặt nghiêm trọng trong việc giáo dục gia đình.
Thường có câu "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", tuy nhiên nhiều người cha vì vin vào câu này mà bỏ bê việc nhà, lơ chuyện dạy dỗ, chăm sóc các con. Đây là thực trạng xảy ra tại không chỉ Trung Quốc mà còn nhiều nước châu Á khác.
Nếu người cha vắng mặt trong một thời gian dài trong quá trình trưởng thành của đứa trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào?
1. Trẻ dễ tự ti
Một nghiên cứu do Bệnh viện đa khoa Bắc Kinh thực hiện đã chỉ ra, trong quá trình trưởng thành, nếu trẻ thiếu vắng cha thì dễ hình thành cảm giác thiếu sự mạnh mẽ và an toàn. Điều này có thể khiến trẻ đánh mất dũng khí đối đầu với những thăng trầm của cuộc sống, hoặc khó phát triển tinh thần trách nhiệm và có xu hướng lựa chọn cách trốn tránh trong cuộc sống.
Quách Kỳ Lân, một diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc từng nói về cha mình là Quách Đức Cương trong một chương trình tạp kỹ: "Khi tôi 6 tuổi, một người đàn ông đột nhiên nói với tôi rằng ta là bố của con!". Điều này khiến anh cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, bởi vì trong ấn tượng của anh, mình không có người cha nào cả. Phản ứng này là do khi người cha lên Bắc Kinh tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân, Quách Kỳ Lân sống với ông bà ở Thiên Tân, thiếu thốn tình thương của cha mẹ từ nhỏ nên rất tự ti. Mãi đến năm 6 tuổi, cậu mới được ở bên cạnh cha mình.
Nhiều người cha thương con nhưng vì lý do công việc mà xa cách con, dù có thể chỉ vài năm, nhưng vài năm đó có thể để lại cho con những tiếc nuối không gì bù đắp được. Sự vắng mặt của người cha sẽ khiến trẻ mất đi sự tự tin và dũng khí để trưởng thành, lâu dần sẽ hình thành mặc cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
2. Ảnh hưởng quan điểm của con cái về hôn nhân
Một người con gái khi còn nhỏ đã thiếu vắng tình yêu thương của người cha sẽ có khả năng đi chệch hướng bình thường khi chọn bạn đời cao hơn. Chỉ cần có người quan tâm đến mình một chút, cô ấy sẽ rất cảm động và dễ dàng bị lừa dối. Những chàng trai thiếu tình yêu thương của người cha thường có xu hướng mặc cảm Oedipus sâu sắc hơn, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân và cuộc sống của họ.
Mặc cảm Oedipe được Freud nhận diện vào năm 1910. Tên gọi hội chứng tâm lý này vay mượn từ huyền thoại Hy Lạp Vua Oedipe. Ông bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, không biết cha mẹ ruột. Ông thậm chí giết cha mình rồi kết hôn với mẹ ruột. Mặc cảm Oedipe là giai đoạn yêu thương bố/mẹ (khác giới) của trẻ một cách thái quá. Đó là nhu cầu thiết lập quan hệ ưu tiên đặc biệt với bố hoặc mẹ. Việc này thậm chí có thể dẫn đến đối đầu giữa con gái với mẹ, hoặc con trai với bố.
Người cha đóng một vai trò không thể thiếu trong sự trưởng thành của con cái. Họ có thể dạy con trai trở thành một người đàn ông và dạy con gái cách hòa hợp với người khác giới. Trong quá trình lớn lên của con cái, vai trò của cha mẹ là khác nhau, mẹ có tốt với con đến đâu cũng không thể thay thế được người cha trong cuộc sống.
Làm thế nào để cha đồng hành cùng con?
Tăng cường tiếp xúc, giao tiếp với con
Người cha càng dành nhiều thời gian cho con thì vai trò đối với sự trưởng thành của đứa trẻ càng lớn. Khi về nhà, hãy buông điện thoại xuống, tương tác cùng con nhiều hơn. Nói chuyện với con về cuộc sống ở trường, để chúng kể về những điều thú vị đã xảy ra, những khó khăn mà chúng gặp phải, v.v. Giao tiếp và kiên nhẫn lắng nghe sẽ giúp đứa trẻ cởi mở hơn trong việc chia sẻ, gắn kết quan hệ cha mẹ - con cái, đồng thời giúp chúng ta kịp thời hiểu được suy nghĩ, tâm trạng của đứa trẻ.
Khi trẻ gặp khó khăn cần giúp đỡ, hãy đứng về phía trẻ, cùng trẻ tìm cách giải quyết, nói với trẻ: "Con đừng sợ, có cha đây, cha sẽ cùng con gánh vác và tìm cách giải quyết". Mối quan hệ cha mẹ và con cái gần gũi và hài hòa sẽ thuận lợi hơn cho việc nuôi dưỡng sự nhiệt tình và sáng tạo của trẻ.
Chủ động chịu trách nhiệm giáo dục con cái
Các nhà tâm lý học đã từng tổng kết một hiện tượng như vậy: Cùng một câu nói, nếu được nói bởi người cha, có ảnh hưởng đến đứa trẻ gấp 50 lần so với người mẹ. Người cha giỏi tư duy lý trí, người mẹ giỏi tư duy cảm tính, việc để người cha tham gia vào quá trình giáo dục và học tập của con cái sẽ giúp trẻ trải nghiệm đầy đủ hai lối suy nghĩ khác nhau là lý trí và tình cảm, đồng thời học được cách suy nghĩ độc lập.
Một nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, sự tồn tại của người cha có lợi cho việc chuyển từ "mối quan hệ khép kín" được hình thành giữa mẹ và con sang "mối quan hệ ba chiều mở" trong gia đình. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Cùng con vận động và vận động nhiều hơn
Khuyến khích, đồng hành cùng con tập thể dục nhiều hơn không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh hơn, tinh thần minh mẫn hơn mà còn là cơ hội dạy trẻ trải nghiệm thành công và thất bại, học cách đứng dậy khi vấp ngã; hiểu được rủi ro, trau dồi kỹ năng làm việc nhóm và nâng cao xác suất thành công trong tương lai.
Nhiều ông bố luôn cho rằng không thể cân bằng giữa sự nghiệp và con cái. Vì vậy, họ chọn cách đợi cho đến khi hoàn thành công việc bận rộn trong vài năm, và khi kiếm đủ tiền mới bắt đầu nghĩ đến chuyện bên cạnh con. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không thể lặp lại, giáo dục con cái từng giai đoạn cũng không thể lặp lại, con cái chỉ lớn lên một lần và vai trò của cha mẹ cũng có ngày "hết hạn".
Một người cha dù thành công đến đâu trong sự nghiệp cũng không thể bù đắp được sự hối tiếc khi thiếu quan tâm để con cái mình lớn lên thất bại. Trên con đường từ khi còn thơ đến lúc trưởng thành, người cha còn cần thể hiện vai trò là “lá chắn an toàn” để con ngày một trưởng thành, khôn lớn.