Vào tháng 10 năm 2012, một người đàn ông đến từ Đan Mạch tên là Stig Severinsen đã làm nên lịch sử khi xác lập kỷ lục thế giới mới với khả năng nhịn thở dưới nước suốt 22 phút!
Trước đó không lâu, một "dị nhân" khác là Tom Sietas (một thợ lặn người Đức) cũng được ghi nhận đã nín thở gần 22 phút trong 1 bể kính.
Tom Sietas trong quá trình lập kỷ lục.
Để hình dung được khả năng đáng kinh ngạc này, phải hiểu, đối với người bình thường tối đa chúng ta chỉ có thể nhịn thở trong 3-4 phút là cùng! Kể cả đối với những thợ lặn mò ngọc trai lão luyện ở Nhật Bản cũng không thể vượt qua ngưỡng 7 phút.
"Khủng khiếp" là thế nhưng có vẻ họ chỉ đáng là "học trò" nếu đem so với một "dị nhân lặn" vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam: Yết Kiêu.
Yết Kiêu là một danh tướng có thật trong lịch sử nước Việt, có khả năng bơi, lặn, thủy tính cao không ai sánh bằng. Ông giỏi đến nỗi được đích thân vua Trần ban tặng danh hiệu "Đệ nhất Đô soái Thủy quân".
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), sinh ra trong 1 gia đình nghèo ở Hạ Bì, nay là huyện Gia Lộc, Hải Dương.
Theo ghi chép trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, vào năm 16 tuổi, Yết Kiêu có duyên kỳ ngộ, gặp được trâu thần. Kể từ đó, ông có được thân thể cường tráng, sức mạnh phi phàm, và đặc biệt bơi lặn cực giỏi.
Yết Kiêu có thể bơi lội dưới nước như đi trên cạn, lúc xuống biển đánh cá, ai cũng kinh ngạc. Có lần ông lặn 1 mạch 7 ngày 7 đêm mới chịu ngoi lên!
Yết Kiêu và chiến tích đục thủng hàng chục thuyền lớn của quân địch!
Tất nhiên, chuyện lặn 7 ngày 7 đêm chỉ là cách nói hình tượng của truyện cổ tích. Nhưng thử nghĩ mà xem, dù cho dân gian có thổi phồng 100 lần khả năng thật của Yết Kiêu, thì đó cũng năng lực quá khủng khiếp.
Thử làm 1 phép tính nhé!
Nếu nín thở 7 ngày 7 đêm (mỗi ngày 24 giờ, mỗi giờ 60 phút) được thổi phồng 100 lần, thì thực tế Yết Kiêu có thể nín thở trong khoảng:
[7 x 24 x 60] : 100 = 100,8 phút!
Quả là vô địch!
Tất nhiên, đó cũng chỉ là suy luận vui mà thôi. Còn thực tế sử chép thì Yết Kiêu đã đục thủng hơn 20 chiến thuyền của địch, góp phần quan trọng giúp quân ta phá thủy quân Nguyên Mông!