Yên Bái thông tin vụ bắt phóng viên báo Giáo Dục VN

TUYẾN PHAN |

Theo Công an tỉnh Yên Bái, ngoài vụ lấy 50 triệu đồng của một doanh nghiệp, bị can Lê Duy Phong, Trưởng ban bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam còn lấy tiền của nhiều cá nhân khác.

Ngày 26-6, Công an tỉnh Yên Bái đã thông tin chính thức vụ việc nhà báo Lê Duy Phong (32 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), công tác tại báo Giáo dục Việt Nam, bị bắt về hành vi nhận tiền của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này.

Thượng tá Chu Văn Hải, Phó trưởng Phòng tham mưu, Công an tỉnh Yên Bái cho hay vào hồi 12 giờ 45 ngày 22-6, Công an TP Yên Bái đã bắt quả tang Lê Duy Phong, Trưởng Ban bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam, vì có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để nhận tiền của doanh nghiệp.

Ngày 23-6, Công an TP Yên Bái ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Duy Phong để điều tra về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 280 BLHS.

Các quyết định này được VKSND cùng cấp phê chuẩn vào ngày 25-6.

Theo Thượng tá Hải, tại thời điểm bắt quả tang, công an xác định Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của phía doanh nghiệp, tuy nhiên, vị này từ chối tiết lộ thông tin của doanh nghiệp này vì cho rằng cần phải bảo vệ thông tin của bị hại.

Ngoài ra, theo lời khai ban đầu, Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Yên Bái thông tin vụ bắt phóng viên báo Giáo Dục VN - Ảnh 1.

Chiếc ô tô của Lê Duy Phong (giữa) hiện đang bị tạm giữ tại Công an TP yên Bái. Ảnh: TUYẾN PHAN

Trước đó, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam cho biết Lê Duy Phong đang phụ trách tuyến bài điều tra liên quan đến biệt phủ của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, do đó đề nghị chuyển vụ án lên Bộ Công an nhằm đảm bảo tính khách quan.

Về vấn đề này, Thượng tá Hải cho hay thẩm quyền điều tra một vụ án phải theo quy định pháp luật, vụ việc này thuộc thẩm quyền của Công an TP Yên Bái.

Việc chuyển hồ sơ hay không, Công an tỉnh Yên Bái không thể làm mà thuộc thẩm quyền của cấp trên. Tuy nhiên, trách nhiệm của CQĐT là làm việc khách quan.

Về một số thông tin cho rằng công an TP Yên Bái đã “gài bẫy” để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho hay việc bắt quả tang là có cơ sở, CQĐT làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những thông tin trên mạng đều chưa có sự kiểm chứng.

PV tiếp tục đặt hàng loạt câu hỏi khác như: mối quan hệ giữa Lê Duy Phong và doanh nghiệp đưa tiền là như thế nào; Lê Duy Phong có dọa dẫm hoặc gợi ý để doanh nghiệp đưa tiền hay không; khi bắt quả tang thì số tiền 50 triệu đồng đang để trên bàn hay đã cất vào túi của Lê Duy Phong; mục đích doanh nghiệp đưa tiền là gì; các dấu hiệu và căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can là gì; có thông tin cho rằng khi bị bắt, doanh nghiệp cung cấp số seri tiền cho công an, khi kiểm tra thì đúng hoàn toàn, phải chăng có sự sắp đặt từ trước,….

Tuy nhiên, Thượng tá Hải cho hay vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin.

“Khi xác định rõ về mục đích nhận tiền, công an sẽ quyết định đề nghị truy tố về tội gì. Hiện tại thì đã khởi tố bị can về tội danh như đã nêu” – Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Yên Bái cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại