Trong thế giới hiện đại có nhịp độ phát triển nhanh như hiện nay, hoạt động của con người phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng điện. Nếu lưới điện bị suy giảm, hệ thống kiểm soát khí hậu sẽ bị vô hiệu hóa, máy tính ngừng hoạt động, tất cả các hình thức thương mại điện tử và truyền thông sẽ chấm dứt.
Ngoài ra, con người đang ngày càng gia tăng hoạt động ở các vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO). Ngoài các vệ tinh viễn thông hiện đang ở trong không gian, còn có Trạm Không gian Quốc tế ISS và nhóm vệ tinh GPS.
Theo các nhà nghiên cứu, bão lửa Mặt Trời có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho thế giới, đặc biệt mối de dọa này sẽ càng trở nên trầm trọng khi con người ngày càng xuất hiện nhiều ở LEO.
Hai nhà nghiên cứu Manasavi Lingam và Abraham Loeb thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn của Trường ĐH Harvard Smithsonian, vừa xuất bản một bài báo trực tuyến có tiêu đề "Chiến lược tác động và giảm nhẹ bão lửa Mặt Trời trong tương lai" nhằm đưa ra giải pháp cho mối nguy này.
Theo ông Loeb, mối đe dọa từ không gian này đã không nhận được nhiều sự chú ý như đáng ra nó phải có. "Với những nguy hiểm đến từ bầu trời, hầu hết người ta đều lo đề phòng các tiểu hành tinh. Chúng đã tiêu diệt loài khủng long và gây ra nhiều thay đổi trên Trái Đất.
Ngược lại, bão lửa Mặt Trời không có nhiều tác động đến sinh học, nhưng chúng lại ảnh hưởng rất lớn đến công nghệ".
Một thế kỷ trước, chúng ta không có nhiều cơ sở hạ tầng công nghệ và bây giờ công nghệ đang phát triển theo cấp số nhân. Do đó, nếu công nghệ hiện tại gặp vấn đề thì thiệt hại chắc chắn sẽ rất lớn", ông cho biết thêm.
Sử dụng các mô hình tính toán, hai nhà nghiên cứu dự đoán, trong vòng 150 năm tới sẽ có một sự kiện bão lửa Mặt Trời gây thiệt hại tương đương GDP của toàn nước Mỹ, tức là xấp xỉ 20 nghìn tỷ USD. Và thiệt hại sẽ tăng theo cấp số nhân nếu sự kiện xảy ra càng muộn.
Để giải quyết rủi ro ngày càng tăng này, Lingham và Loeb xem xét khả năng đặt lá chắn ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, cụ thể là tại điểm Lagrange 1. Tại đây, lá chắn có thể làm lệch các hạt tích điện và tạo ra sóng xung kích nhân tạo xung quanh Trái Đất.
Tấm khiên sẽ bảo vệ Trái Đất theo cách tương tự như từ trường, nhưng với hiệu quả lớn hơn. Lingham và Loeb cho rằng, một lá chắn như vậy là khả thi về mặt kỹ thuật. Hai nhà nghiên cứu cũng có thể cung cấp một bản phác thảo thô sơ để xây dựng tấm khiên, nhưng họ vẫn chưa đề cập chi tiết đến phần chi phí.
Tuy nhiên ông Loeb cũng chỉ ra rằng, một tấm khiên như thế này có thể được chế tạo vào cuối thế kỷ này, và chi phí của nó chỉ bằng một phần nhỏ so với những thiệt hại do lửa Mặt Trời gây ra.
Ông nói: "Dự án xây dựng khiên chắn từ trường trong không gian có thể mất một vài thập kỉ để thực hiện. Chi phí để chuyên chở cơ sở hạ tầng cần thiết lên không gian (trọng lượng vào khoảng 100.000 tấn) có thể tốn 100 tỷ đô la. Nhưng con số này ít hơn nhiều so với tổn thất dự kiến."
Đây không phải là ý tưởng mới mẻ. Các nhà khoa học NASA hồi đầu năm nay cũng đã đề xuất triển khai lá chắn từ trường xung quanh sao Hỏa để bảo vệ khí quyển hành tinh trước gió mặt trời, giúp sao Hỏa có khí quyển giống Trái Đất hơn.
Nguồn: Sciencealert