Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên do Thụy Sĩ tổ chức hồi tháng 6 chủ yếu xoay quanh "công thức hòa bình" của Ukraine , trong đó yêu cầu Nga rút quân khỏi tất cả vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Mátxcơva gọi kế hoạch này là "xa rời thực tế".
Hội nghị đã bị một số quốc gia phớt lờ, cho rằng sự vắng mặt của Nga tại hội nghị khiến các cuộc thảo luận trở nên vô nghĩa.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, mặc dù Nga không được mời tham dự hội nghị đầu tiên, nhưng phần lớn thế giới muốn Mátxcơva có mặt tại bàn đàm phán vào tháng 11 tại hội nghị lần thứ hai.
“Để đạt được hòa bình, cần có sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên”, tuyên bố chung của Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani và Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết.
Các bộ trưởng nhất trí duy trì liên lạc và hợp tác, để tạo ra "những điều kiện tốt nhất cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, có sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm Liên bang Nga", tuyên bố nêu rõ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào Vùng Kursk của Nga là một nỗ lực của Kiev nhằm củng cố vị thế trên bàn đàm phán. "Nhưng làm sao chúng ta có thể đàm phán với những người tấn công cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân?", Tổng thống Putin nói tại một cuộc họp cấp cao hôm thứ Hai (12/8).
Ukraine từng nhiều lần khẳng định nước này không nhắm mục tiêu vào dân thường trong các hoạt động quân sự.