Bà Trương ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết, con dâu của bà 31 tuổi, kết hôn đã nhiều năm vẫn không thụ thai. Vì thế, gia đình đã chi 160.000 nhân dân tệ (khoảng 540 triệu đồng) để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Cả nhà vui mừng khôn xiết khi cuối cùng cô cũng mang bầu.
Để đảm bảo không có gì xảy ra cho sản phụ và đứa trẻ, ngày 8/12, con dâu bà Trương được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền Trung, Tây y kết hợp Trùng Khánh - Âu Châu để chăm sóc, dưỡng thai. Sự cố đau lòng xảy ra một ngày sau đó. Cô đang nằm nghỉ trên giường thì y tá tới đặt ống thông tiểu, nhưng lại đưa ống vào âm đạo thay vì niệu đạo. Một y tá khác thốt lên: "Cô cắm nhầm rồi" , và rút ống ra. Lúc này, ống thông đầy máu.
Con dâu của bà Trương được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền Trung - Tây y kết hợp Trùng Khánh - Âu Châu vào ngày 8/12; sự cố đã xảy ra hôm sau.
Sau đó, con dâu bà Trương bị sẩy thai. Đây là một tai họa đau đớn đối với cô và cả gia đình đang mong chờ sự ra đời của một sinh linh bé nhỏ. Trả lời về sự cố này, ông Lý, lãnh đạo bệnh viện, chỉ nói: “ Việc này liên quan đến năng lực chuyên môn của chính chúng tôi. Y tá đã không làm việc trong một thời gian dài. Chúng tôi sẽ trừng phạt nội bộ đối với y tá và tăng cường đào tạo kỹ năng. Y tá sẽ bị xử lý vì việc này, thậm chí sa thải" .
Mặc dù hứa chịu một số trách nhiệm trong trường hợp này, phía bệnh viện vẫn tuyên bố không có mối liên hệ mật thiết giữa việc y tá vô tình đưa ống thông tiểu vào âm đạo sản phụ và tình trạng sẩy thai.
Chuyện sản phụ mất con sau nhiều năm vất vả chữa hiếm muộn sau hành vi tắc trách của y tá khiến cư dân mạng Trung Quốc không khỏi đau lòng, xót xa thay cho gia đình. Nhiều người nói, họ có thể hiểu được cảm giác của gia đình bà Trương. Để có đứa con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều cặp vợ chồng đã phải nỗ lực, làm việc chăm chỉ. Quá trình chữa hiếm muộn cũng phải trải qua đủ loại thăng trầm, việc mang thai cũng rất mệt mỏi gian nan, vậy mà giờ tất cả trở thành công dã tràng.
Nhiều cư dân mạng cũng bức xúc khi bệnh viện tuyên bố chịu một số trách nhiệm nhưng lại phủ nhận mối liên hệ nhân quả giữa sai lầm của y tá và chuyện sẩy thai. Họ bình luận: "Vấn đề có thể được giải quyết đơn giản bằng cách sa thải y tá không? Đứa trẻ có thể trở lại sao?"; "Bệnh viện là nơi cứu người, đừng giao sự an toàn của bệnh nhân vào tay những nhân viên y tế kém chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp"...
Trước tranh chấp y tế này, một số luật sư đề xuất, trên cơ sở tham vấn, hai bên có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền hoặc tìm giải pháp thông qua các kênh pháp lý.
Vân Anh (Nguồn: Sohu)