Chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, đánh bại tổng thống dân túy bảo thủ đương nhiệm Donald Trump, có thể đánh dấu sự khởi đầu cho những thay đổi mạnh mẽ của Mỹ đối với thế giới. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ trở lại bình thường như trước khi ông Trump lên nắm quyền?
Ông Joe Biden, chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân Chủ, người có thể sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, đã hứa hẹn sẽ là một “đôi tay an toàn” cho thế giới. Ông tuyên bố sẽ thân thiện với các đồng minh của Mỹ hơn ông Trump.
Tuy nhiên, bối cảnh chính sách đối ngoại hiện nay của nước Mỹ có lẽ có nhiều thách thức hơn so với thời điểm ông còn là Phó Tổng thống. Các đối thủ của Mỹ trên thế giới đã trở nên cứng rắn hơn.
Sẽ không có những xáo trộn như thời Donald Trump?
Ông Biden hứa hẹn sẽ đem lại sự khác biệt, đảo ngược một số chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ.
Về Trung Quốc, ông Biden sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn của ông Trump về thương mại, đánh cắp tài sản trí tuệ… nhưng có thể theo một cách khác chứ không phải chỉ bằng những đòn đánh về thuế quan.
Về vấn đề Iran, ông Biden hứa hẹn rằng Tehran sẽ có cách thoát khỏi các lệnh trừng phạt nếu tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia mà chính quyền Mỹ dười thời Obama (trong đó có ông) đã đem lại nhưng bị hủy bỏ dưới thời Trump.
Tất nhiên, ông Biden cũng cam kết sẽ xây dựng lại niềm tin với các đồng minh trong khối NATO.
Đó là những lời hứa hẹn dễ làm hài lòng đám đông của một chính trị gia kỳ cựu có 47 năm kinh nghiệm, người nhiều năm giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Nhưng việc thực hiện tầm nhìn chính sách đối ngoại của Biden sẽ không dễ dàng. Trong 4 năm qua, các quốc gia trên khắp châu Âu, Trung Đông đã phải chịu đựng sự đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ.
Việc ông Trump bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria đã khiến các đồng minh vô cùng bất ngờ và thất vọng. Nhiều người cho rằng, quyết định của ông đã khiến lực lượng Nga và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nổi lên, giành nhiều chiến thắng cả trong giai đoạn “bối rối” đó cũng như về sau này. Danh tiếng “đồng minh đáng tin cậy” của Mỹ bị tổn hại đáng kể.
Dưới thời Trump, các chính sách đối ngoại được cho là đã làm suy yếu các liên minh truyền thống và đe dọa trật tự thế giới. Việc thay đổi kỳ vọng của họ đối với một nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ là chìa khóa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng sẽ là một thách thức mới đối với ông Biden. Erdogan can dự vào các cuộc xung đột ở Syria, Libya, Armenia, thậm chí làm gia tăng căng thẳng với Hy Lạp và Pháp.
Việc ông Trump muốn rút khỏi khu vực đã báo hiệu với chính quyền Erdogan rằng Mỹ sẽ không dẫn dắt các đồng minh muốn cản trở ông. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã gây thất vọng cho liên minh NATO bằng cách mua vũ khí của Nga, đồng thời ủng hộ các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và các đồng minh châu Âu theo cách mà các chính quyền trước đây của Mỹ không thể dung thứ.
Ông Trump không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm những điều đã xảy ra. Ông chỉ đẩy nhanh tốc độ chính sách “rút lui” của thời Obama-Biden. Trong 4 năm tới, di sản chủ nghĩa biệt lập của chính quyền Obama cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ của ông Biden với các đồng minh, đặc biệt là ở Trung Đông.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã “bỏ rơi” các đối tác Trung Đông như Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia và Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập trong cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab” năm 2011. Điều này khiến các đồng minh Trung Đông khác lo sợ họ cũng sẽ bị Mỹ bỏ rơi.
Ông Obama đã rút các binh sỹ Mỹ khỏi Iraq và giảm bớt số lượng binh sỹ ở Afghanistan rất lâu trước khi ông Trump nhậm chức. Việc ông không trừng phạt Tổng thống Syria al-Assad vì cáo buộc tấn công hóa học, đã thuyết phục ngay cả các đồng minh ở châu Âu rằng Mỹ đang rút khỏi khu vực và khiến một số nước vùng Vịnh phải chi lớn cho việc phòng thủ của mình.
Ngược lại, sự cứng rắn của ông Trump đối với Iran đã tái khẳng định với các đồng minh vùng Vịnh rằng ông “chống lưng” cho họ. Dù vậy, những lo ngại rằng bước đi sai lầm của ông Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh đã khiến các đồng minh trong khu vực phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ nơi khác, và họ đã cải thiện mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Xây dựng lại niềm tin của đồng minh
Nhiệm vụ của ông Biden giờ sẽ phải thuyết phục các đồng minh rằng, Mỹ vẫn là một đối tác đáng tin cậy, ổn định lâu dài, đồng thời giải quyết mối đe dọa do sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ở khía cạnh này, ông Biden rơi vào một tình thế khó khăn. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho ông Trump năm nay cho thấy, việc ông đắc cử năm 2016 không phải là điều lạ thường: nước Mỹ vẫn bị chia rẽ sâu sắc và một tổng thống khác trong tương lai có thể sẽ làm hỏng các thỏa thuận của Biden giống như Trump đã làm với những thỏa thuận của Obama.
Mặc dù các cử tri Mỹ năm nay đã lựa chọn một ứng cử viên truyền thống cho Nhà Trắng, nhưng các đồng minh vẫn cảm thấy “dè chừng” và sẽ không dễ dàng được xoa dịu.
Vào thời điểm Tổng thống đắc cử nhậm chức vào tháng 1/2021, nước Mỹ đã đi được một đoạn khá xa trên con đường hướng tới sự cô lập. Tân tổng thống sẽ phải điều chỉnh lại khoảng cách và tốc độ mà ông cần “lùi lại” để tập hợp các đồng minh ủng hộ mình, nhằm đưa thế giới đi theo con đường mà ông mong muốn.
Nhiệm vụ của Biden sẽ rất khó khăn. Ông sẽ phải tìm cách kiềm chế Iran trong một thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia mới thay thế cho Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) mà chính quyền Trump đã hủy bỏ. Biden sẽ phải thuyết phục Anh, Đức và Pháp - những nước đã dồn nhiều sức lực hỗ trợ Mỹ tạo ra thỏa thuận ban đầu - tham gia vào thỏa thuận mới đó.
Đó là chưa kể việc lôi kéo Nga và Trung Quốc vào một thỏa thuận mới với Iran như chính quyền Obama đã từng làm năm 2015. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ khó có thể đồng hành với Mỹ trong vấn đề Iran trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh bất đồng sâu sắc trong vấn đề Biển Đông và thương mại.
Thành công trong chính sách đối ngoại không chỉ là giành được sự tin tưởng của bạn bè, đồng minh hay sự phục tùng của kẻ thù; mà còn là việc xây dựng niềm tin quốc tế vào mục đích thống nhất của Mỹ. Đó sẽ là nhiệm vụ khó khăn đối với Biden khi nước Mỹ đang bị chia rẽ như hiện nay và trật tự thế giới không sẽ khó có thể được thiết lập lại theo cách ông muốn./.