Đều đặn hàng ngày, những chiếc áo cam in logo và dòng chữ “Đội hỗ trợ sơ cứu - FAS Angel” lại chốt trực trên những cung đường thường xuyên xảy ra tai nạn, khi nhận được tin báo, những chiếc áo cam lại vội vã lên đường.
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi liên lạc với chàng trai Phạm Quốc Việt – (36 tuổi) – Đội trưởng đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel với mong muốn được theo chân, tìm hiểu về những hành động ý nghĩa nhóm đang thực hiện.
Đầu dây bên kia, anh Việt nghe, cười và trả lời: “Vất vả lắm đấy, em có theo được không? Nhóm trực xuyên đêm xuyên ngày, hễ nhận tin tai nạn là lên đường ngay.”
21 giờ, chúng tôi có mặt tại một trong những “điểm tập kết” của nhóm: Trên vỉa hè đường Trần Vỹ (Cầu Giấy, Hà Nội). Trong khi nhiều người chọn cho mình giấc nghỉ ngơi, nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa để ra về, thì nhóm sơ cứu – cứu thương của anh Việt túc trực nhận tin báo tai nạn, mọi người ai cũng rạng rỡ dù có người mới trở về sau công việc văn phòng đầy mệt mỏi.
Tại nơi “tập kết”, anh Việt hỏi thăm, nhắc nhở mọi người kiểm tra lại “túi đồ nghề” là những bông băng, nước sát trùng và trang thiết bị cần thiết nhất để sơ cứu.
Phạm Quốc Việt là thành viên và cũng là người thành lập ra đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (First Aid Support Angel) tại Hà Nội, giúp đỡ những người gặp tai nạn giao thông, kết nối với các trung tâm cấp cứu để được trợ giúp nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Thành lập vào ngày 18 tháng 9 năm 2019, chỉ với 5 thành viên ban đầu, tính đến hiện tại, sau 4 năm hoạt động, FAS Angel đã có đội ngũ 28 thành viên là nòng cốt, quản lí các hoạt động trực tiếp, gần 300 tình nguyện viên và có hơn 1500 thành viên là cộng tác viên (CTV) thường xuyên báo tin, hỗ trợ FAS Angel tiếp cận hiện trường, giúp đỡ người bị nạn.
“Ý nghĩa của cái tên FAS Angel khá thú vị, Angel có nghĩa là thiên thần. Thiên thần luôn có 2 sứ mệnh. Trước tiên là bảo vệ người không may mắn bị nạn. Nếu không thể bảo vệ thì sẽ ở bên cạnh để tiễn họ lên thiên đường. Đó là lý do mà tôi lấy tên FAS Angel và cũng là mục tiêu mà nhóm theo đuổi sau hơn ba năm qua”, anh Việt tâm sự.
Vào mỗi tối, từ 21h đến 24h, các tình nguyện viên và các đội viên di chuyển bằng xe máy sẽ cùng nhau tập trung về các điểm trực chính là các điểm nóng thường xảy ra va chạm giao thông bao gồm: Ngã Tư Sở, Cầu Diễn, Đại Học Bách Khoa và Ngọc Hồi,… để cùng nhau ôn luyện lại các kỹ năng sơ cứu cơ bản, qua đó tăng thêm sự chính xác khi xử lí các ca va chạm ở hiện trường. Hiện nay, FAS Angel đã thành lập thêm được các nhánh hỗ trợ tại các tỉnh thành khác như Mộc Châu (Sơn la) và tại Nghệ An. Nhóm cũng mong muốn lan rộng tới các tỉnh thành khác trong những năm tới.
Tại chiếc xe cứu thương của nhóm, anh Việt trầm ngâm khi kể lại cơ duyên để anh và những người bạn của mình tham gia vào biệt đội FAS Angel.
“Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2016, khi tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến tôi bất tỉnh. Sau một hồi lâu, tôi tỉnh lại nhưng toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, mong tìm thấy một bóng người nào đó để cầu cứu cho đến khi kiệt sức và ngất đi một lần nữa. Thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện. Thì ra, một người qua đường tốt bụng đã nhìn thấy và đưa tôi đi cấp cứu. Tôi có cảm giác như vừa từ cõi chết trở về”, anh Việt bắt đầu câu chuyện.
Thoát “cửa tử”, anh Việt luôn tâm niệm phải làm hết sức mình để hỗ trợ những người gặp rủi ro – như bản thân anh đã từng phải trải qua.
Năm 2017, khi xe ôm công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, anh đăng ký tham gia. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối, vừa chở khách kiếm tiền, vừa chú ý quan sát.
“Tôi lựa chọn làm xe ôm là vì hàng ngày vừa có thể kiếm sống, vừa có thể hỗ trợ được những người bị tai nạn. Số tiền dành dụm được cũng mang đi mua vật dụng y tế phục vụ sơ cứu”- Đội trưởng đội FAS Angel nói.
Bất kể chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông, có người bị thương được báo, anh sẽ hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu. Đồng thời, trong hành trình “không một ai bị bỏ lại phía sau”, anh tìm kiếm thêm những người bạn đồng hành, phân phát những chiếc tem của nhóm, trong đó có số điện thoại của mình để nhờ người dân thông báo.
Dần dần số điện thoại của anh được mọi người nhớ đến và gọi khi cần.
Anh Việt thông tin, giữa năm 2019, “Biệt đội” FAS Angel chuyên sơ cứu, hỗ trợ miễn phí nạn nhân bị tai nạn giao thông trên đường phố Hà Nội ra đời. Đến nay đội đã có “tuổi đời” 4 năm hoạt động, với 28 thành viên là nòng cốt, gần 300 tình nguyện viên và có hơn 1500 thành viên là cộng tác viên (CTV) thường xuyên báo tin, hỗ trợ FAS Angel tiếp cận hiện trường, giúp đỡ người bị nạn.
Chia sẻ nhiều hơn về công việc của nhóm, người đội trưởng cho biết, FAS Angel phát triển trên tinh thần tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận. Việc cứu hộ là hoàn toàn miễn phí. Thời gian đầu đội tham gia ứng cứu, theo anh Việt “nhiệt tình có thừa nhưng rất thiếu kinh nghiệm, lúng túng”.
“Thật may mắn, quá trình phát triển, đội đã nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân y tế để đào tạo kỹ năng sơ cứu. Mỗi tuần một lần, các thành viên trong nhóm được tập huấn các kỹ năng sơ cứu theo chủ đề. Để đảm bảo các thao tác được thực hiện đúng và nhanh nhất, tại hiện trường, các nhóm trưởng là những người đã được cấp chứng chỉ về sơ cứu sẽ trực tiếp tiếp cận nạn nhân. Các thành viên còn lại làm nhiệm vụ hỗ trợ.” Anh Việt chia sẻ.
Ngoài các buổi tập huấn thường kỳ, theo anh Việt, nhóm còn có sự hỗ trợ chuyên môn từ một số tổ chức sơ cứu chuyên nghiệp nước ngoài.
Sau 4 năm hoạt động, anh Việt nói rằng không nhớ nổi đã hỗ trợ được bao nhiêu vụ tai nạn. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhất là về kinh phí mua trang thiết bị, thuốc men… nhưng anh vẫn muốn mở rộng quy mô đội, nhất là các thành viên có kiến thức tốt về y khoa và mong muốn mô hình này sẽ được lan tỏa đến cộng đồng. Giúp đỡ thêm nhiều người gặp tai nạn hay sự cố giao thông - đó là sứ mệnh mà biệt đội “thiên thần cứu hộ” đã theo đuổi trong suốt nhiều đêm không ngủ.
Theo anh, trong 75% vụ tai nạn anh gặp, người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, chất kích thích. Các nguyên nhân sau đó là do phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành luật giao thông. Những vụ tai nạn này đều gây hậu quả rất nghiêm trọng, không ít trường hợp phải trả giá bằng mạng sống.
Nhớ lại lần khiến anh ám ảnh nhất trong quãng thời gian tham gia cứu nạn, anh Việt nhắc về vụ cháy chung cư mini Khương Hạ khiến 56 người tử vong xảy ra đêm 12/9. Theo anh, những hình ảnh của vụ cháy đến giờ vẫn còn in sâu trong tiềm thức, quá đau xót.
“Đó là vụ cứu hộ ám ảnh nhất trong cuộc đời tôi. Khoảng 23h45 đêm 12/9, tôi đang ở địa bàn Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) hỗ trợ một người dân bị tai nạn giao thông thì nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ và có nạn nhân đang bị mắc kẹt trong tòa nhà.
Ngay lập tức, tôi đã điều động 1 xe sơ cứu ở khu vực Ngã Tư Sở, nơi gần nhất khu vực có hỏa hoạn đến. Sau đó, nhận được tin của lực lượng tham gia cứu hỏa, tôi cùng 21 thành viên đã nhanh chóng đến hiện trường vụ cháy".
Khi anh Việt cùng đội đến, ngọn lửa cùng khói dường như nuốt chửng căn nhà, điều khiến anh ám ảnh nhất đêm cháy hôm đó chính là hình ảnh những người cha, người mẹ đang cố gắng ôm chặt, bảo vệ con trong 'biển lửa' mong muốn cứu sống các con,…. những âm thanh của tiếng thét, tiếng khóc,…. Nhưng thật tiếc rằng không có phép màu nào xảy ra cả.
Chia sẻ về quá trình cứu hộ trong vụ cháy cùng đồng đội, anh Việt nói: "Sau khi ngọn lửa được dập tắt, tôi cùng các thành viên trong đội phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nhanh chóng đi lên các tầng trên bằng lối thang bộ. Thành viên trong đội cùng những dụng cụ y tế tỏa đi tìm kiếm những người bị nạn. Tiếp cận được các nạn nhân, điều đau xót với tôi và các đồng đội của mình là phải kiểm tra từng người, tách họ ra sau đó chuyển từng người xuống tầng 1.”
Nói đến đây, anh ánh mắt anh Việt gợn buồn, anh nói rằng, đây là một thảm họa quá lớn: “Chưa khi nào tôi cảm thấy sốc, đau đớn, bất lực như khoảnh khắc ấy”.
Chia sẻ về hành trình trong 4 năm qua, anh Việt chỉ lên chiếc đèn xe cứu thương và nói: “Ai đó hỏi tôi về những chuyến đi tuần Hỗ Trợ Sơ Cứu Tai Nạn Giao Thông: vui nhất là gì và buồn nhất là gì ? Tôi trả lời: "vui nhất là cái đèn đỏ này không phát sáng trong đêm. Và buồn nhất là khi nó được bật tắt quá nhiều lần trong ngày ".
Mỗi ngày, từ khi hoàng hôn phủ bóng tối xuống mọi nẻo đường, cho đến lúc bình minh đánh thức cả đô thành, các thành viên của FAS Angel lại cắm chốt, túc trực trên hè phố, chờ đợi những cuộc gọi để lao đi, quên mình vì các nạn nhân tai nạn giao thông.
Các thành viên trong đội hầu hết đều có công việc mưu sinh hằng ngày. Họ là những y sĩ, thợ sửa xe mô tô, thanh niên… nhưng trước những tai nạn thương tâm, họ tự nguyện tập hợp và tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên khắp Hà Nội.
Mải mê với công việc mỗi ngày, những thành viên tại đây có rất ít thời gian để nghỉ ngơi hay có một giấc ngủ đủ đầy, trọn vẹn. Thế nhưng, họ luôn tràn đầy năng lượng khi tham gia cứu hộ.
Năm nay tròn 30 tuổi, vốn là dược sĩ tại Hà Nội, ban ngày Tạ Ngọc Hân luôn bận rộn với công việc của mình, tuy nhiên tối đến cô gái trẻ lại hết mình với công việc tình nguyện hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông. Tính đến nay, cô dược sĩ trẻ đã gắn bó với FAS Angel đã được hơn 1 năm.
"Mình luôn cố gắng sắp xếp hoàn thành các công việc trong giờ hành chính để có thể dành khoảng thời gian 3 tiếng buổi tối hàng ngày đi trực cùng mọi người trong đội.” Hân nói.
Chia sẻ về hành trình đến với Đội, Hân cho biết: “Năm 2014, mình có đi hỗ trợ đội tình nguyện ở Lào Cai, trên đường di chuyển đoàn có gặp một vụ tai nạn lật xe khách ở Sapa, lúc đó mình có tham gia hỗ trợ cứu hộ. Khi chứng kiến cảnh tượng ấy, mình tự thấy bản thân nên trang bị kiến thức và kỹ năng tối thiểu nhất về sơ cứu để có thể đơn giản nhất là giúp đỡ cho chính mình nếu gặp tình huống không mong muốn hoặc hơn nữa là giúp đỡ những người xung quanh.”
Vậy là những nung nấu về hành trình cứu người đã nhen nhóm trong cô cái trẻ, tình cờ tháng 9 năm 2022, trong một chuyến du lịch Hân có cơ duyên gặp được anh Trần Đức Ân - cựu đội phó của đội Fas Angel, được nghe anh chia sẻ về đội và nhận thấy mục đích hoạt động của đội phù hợp với bản than nên đã ngay lập tức đăng ký tham gia làm tình nguyện viên của đội.
Khi tham gia vào đội, Cô dược sĩ nhận được hoàn toàn sự ủng hộ tù gia đình vì mọi người đều hiểu công việc đó là gì và có mục đích, ý nghĩa như thế nào. Tuy nhiên, bố mẹ Hân có chút lo lắng cho sức khỏe cũng như giờ giấc sinh hoạt của con gái.
“Theo như lịch hoạt động của đội, mình cần ra điểm trực vào thời gian từ 21h-0h hàng ngày tại điểm trực. Khi tham gia vào đội, mọi người đều được phép chọn trực gần mình nhất, nên mình đã chọn điểm trực khu vực Cầu Diễn, Mỹ Đình, Dương ĐÌnh Nghệ,… để trực, những địa điểm này thì chỉ cách nhà mình hơn 1km, quãng đường không quá xa nhà mình nên đó không phải là trở ngại. Về các vụ tai nạn trong đêm, mình là con gái mà nên cũng được ưu tiên hơn 1 chút, thường các bạn nam sẽ xông pha đầu tiên, còn mình trực tin báo, nếu trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt không có ai có thể ra hỗ trợ thì sẽ gọi đến các bạn nữ.”
Khi tham gia công việc này, Ngọc Hân không mong đợi sẽ nhận lại được điều gì, bởi theo cô “cho đi là còn mãi”. Biết đây là một công việc “lạ lùng”, chiếm hết thời gian rảnh, song Hân vẫn khẳng định, bản thân mình vẫn gắn bó dài lâu: “còn sức, mình sẽ còn làm”.
“Sau khi hỗ trợ xong cho nạn nhân và nhận được phản hồi thông tin tình trạng của người đó từ người nhà của họ, mình hay các bạn đội viên, tình nguyện viên khác đều cảm thấy có chút nhẹ lòng hơn, yên tâm hơn vì đã có thể đến và giúp đỡ họ.” Hân bộc bạch.
Là một trong số ít thành viên nữ giống như chị Hân, đồng thời nhỏ tuổi nhất đội, Nguyễn Thị Mai (sinh năm 2002, quê ở Nghệ An) tham gia FAS Angel đã được hơn một năm.
Mai cho biết là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội. Các buổi tối, cô sinh viên với dáng người thanh mảnh gần như không bỏ lỡ ngày nào công việc cứu trợ cùng đội.
Kể về cơ duyên đến với FAS Angel, Mai cho hay: “Chị mình từng bị tai nạn giao thông và nhận được sự giúp đỡ của FAS Angel. Mình hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự nhiệt tình và tận tâm của các anh chị và sau đó, mình quyết định xin tham gia đội”
Nhớ lại những ngày đầu mới vào "nghề", Mai vấp phải sự phản đối của gia đình và người thân, bởi họ lo cho sự an toàn của con. “Là con gái mà hay đi đêm về sáng, gia đình nào cũng phản đối kịch liệt chứ không phải riêng bản thân mình. Tuy nhiên, sau khi được nghe mình nói, thấy những hành động con làm có ý nghĩa, mọi người cũng đã ủng hộ, dù vậy vẫn không quên liên tục dặn dò con gái phải cẩn thận”, Mai cười, nói.
Đội cứu hộ sẽ nhận thông tin qua số hotline 082.251.0627: tổng đài trực 24/7. Người nhận thông tin có trách nhiệm hướng dẫn người báo tin chụp ảnh hiện trường, tư thế của nạn nhân, gửi vị trí qua zalo để báo cho FAS Angel. Đội sẽ có trách nhiệm điều phối nhóm tổng, thành viên nào ở gần vị trí nhất và sẵn sàng hỗ trợ trong bán kính 5km và thời gian 10p sẽ nhận nhiệm vụ.
Trong thời gian chờ người của FAS Angel đến hỗ trợ, người nhận thông tin có trách nhiệm căn cứ vào tình hình hiện tại, báo cho Đội trưởng, cử người call video hướng dẫn cho người ở hiện trường những biện pháp sơ cứu kịp thời, ngay lập tức, đồng thời ra phương án có nên điều phối xe ô tô hoặc không. - Trường hợp đưa nạn nhân đi bệnh viện (nếu có), cử người có mặt ở hiện trường bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường của nạn nhân để làm việc với cơ quan chức năng. Trong trường hợp đã có xe cấp cứu của 115 thì FAS Angel sẽ bàn giao nạn nhân cho xe cấp cứu 115.