NSND Thúy Ngần được biết đến là một trong những nghệ sĩ chèo nổi tiếng và có nhiều cống hiến với nghệ thuật chèo Việt Nam. Bà từng đóng nhiều vai diễn khác nhau như Thị Kính, Tấm, Hoàng hậu (trong Gương báu truyền ngôi)… nhưng thành công vượt trội với vai Xúy Vân giả dại, được khán giả mến mộ.
Tại chương trình Những mảng màu cuộc sống, NSND Thúy Ngần đã chia sẻ nhiều điều về sự nghiệp và cuộc sống sau ánh hào quang của mình.
Khóa tôi học có cả Quốc Anh, Quang Tèo, Thanh Ngoan. Chúng tôi là những người dũng cảm nhất
Tôi đến với chèo như một cơ duyên. Năm đó, nhà hát chèo Việt Nam có về huyện tôi tuyển học sinh cho khóa 1979-1983, tôi lên thi và trúng tuyển. Tôi tự thấy mình có một chút nhà nòi vì bố tôi từng tham gia đội văn nghệ của xã huyện.
Tôi chịu ảnh hưởng từ bố mình, hồi bé lại hay được xem các nghệ sĩ từ trung ương về biểu diễn, sẵn có chút năng khiếu nên tôi quyết định theo nghiệp chèo. Tính đến giờ, tôi đã theo nghề được 40 năm rồi.
Khóa tôi học có cả Quốc Anh, Quang Tèo, Thanh Ngoan. Chúng tôi là những người dũng cảm nhất thì mới dám ở lại với nghề. Đa số bạn học cùng khóa với tôi đều từ giã nghề chèo để đi xuất khẩu lao động bên Nga.
Hồi đó, tôi và các anh Quốc Anh, Quang Tèo mê chèo lắm. Chúng tôi nghĩ đất nước bây giờ nghèo nhưng sau này sẽ hết nghèo, nghệ thuật chèo sẽ không bao giờ bị nhà nước lãng quên, nên mình phải là người tiên phong. Cuối cùng thì chúng tôi quyết định đi hết con đường của mình.
Tới năm 37 tuổi, tôi đã được đi biểu diễn khắp đất nước Việt Nam, từ hải đảo tới biên cương, biên giới, trại giam để phục vụ nhân dân, bộ đội, chiến sĩ.
Tôi nhớ mãi một lần biểu diễn ở trại giam, có một anh giám thị nói với tôi rằng chúng tôi biểu diễn hơn một tiếng bằng họ giáo huấn 10 năm, khiến trại viên khóc nức nở, ân hận thực sự.
Tôi gặp con mà con không nhận mẹ nữa
Trong nghề nghiệp này, vợ chồng tôi phải đánh đổi rất nhiều thứ. Chẳng hạn, khi diễn chèo, các nhân vật của tôi phải dùng nhiều tới tiếng cười, tiếng thét, tiếng gào, mọi thứ phải cường điệu hóa, gồng mình lên để thể hiện cảm xúc, tâm trạng.
Tôi phải hét to, nói lớn gấp nhiều lần bình thường. Bởi vậy, chuyện viêm họng, đau họng là thường xuyên, trường kỳ.
Chồng tôi trước đây cũng là nghệ sĩ của nhà hát tuồng Việt Nam. Nghệ thuật tuồng vô cùng vất vả, nhưng công chúng lại ít xem, không hiểu nên không thấy hay. Bởi thế nên vợ chồng tôi làm nghề thiệt thòi lắm, cống hiến mà ít ai biết.
Ngày đó, tôi sinh con được có 6 tháng đã phải đi công tác xa, diễn tỉnh, diễn nông thôn, đi cả tháng mới về. Lúc tôi đi con ngồi, khi tôi về con đã biết đi. Tôi gặp con mà con không nhận mẹ nữa. Đấy là cái giá phải trả cho ánh hào quang.
Khi lên sân khấu, tôi phải cháy hết mình, nhưng rời khỏi sân khấu, tẩy trang đi là bộn bề cuộc sống đời thường. Nhưng tôi vẫn phải chấp nhận mọi thứ để tươi tắn, vui vẻ. Thiếu một bữa ăn không chết nhưng chỉ cần suy sụp một đêm thôi là hôm sau người ngợm bệ rạc đi.
Bởi vậy, khi lên sân khấu, tôi làm ông hoàng bà chúa, nhưng xuống sân khấu cũng cố gắng không hụt hẫng mà trở về hòa đồng cùng mọi người.
Tôi phải cho con ngủ trong phòng phục trang vì không có ai bế
Tôi may mắn có được hai người con. Trong đó có một con gái sinh năm 1987 từng theo nghiệp múa nhưng phải bỏ nghề để theo chồng sinh sống tại nước ngoài. Sau khi sinh con gái được 10 năm, tôi gác lại nghề nghiệp để sinh thêm một con trai.
Hồi con còn nhỏ, tôi khó khăn, không có ai trông hộ nên đi diễn hay cho con tôi đi theo và để chúng ngồi một bên sân khấu. Ngày đó, tôi hay phải đóng những vai khổ sở, mù lòa câm điếc, nông dân chân đất. Con tôi xem xong cũng khóc và nói thương mẹ.
Có lần đi diễn, tôi còn phải cho con ngủ trong phòng phục trang vì không có ai bế. Ai hiểu thì thông cảm cho tôi chứ tôi không ôn nghèo kể khổ. Nhưng chính thời gian đó tuy thiếu thốn mà lại nhiều kỷ niệm và thi vị, chứ bây giờ đầy đủ lại thành ra nhạt.
Tôi luôn giữ sự nghiêm túc cho mình, không bao giờ đến sau sinh viên
Về giảng dạy, tôi là một trong những giảng viên khó tính và nghiêm khắc. Tuy vậy nhưng tôi cũng giàu tình cảm. Bởi vậy nên học sinh của tôi luôn cảm ơn tôi vì đã dạy chúng cả kiến thức nghề nghiệp lẫn đạo đức làm người. Sinh viên của tôi hiện nay đều là diễn viên chính tại các nhà hát.
Trong đó, có cả những người đã là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, giám đốc các nhà hát. Các em trưởng thành, nổi tiếng bao nhiêu tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu.
Gần đây, tôi có gặp lại các học trò cũ của mình. Em nào cũng òa xuống ôm tôi, rất tình cảm. Học trò của tôi, ai cũng có được sự nghiệp riêng, cuộc sống đầy đủ, bằng lòng với nghề và yêu nghề, say nghề còn hơn cả chúng tôi ngày xưa.
Cuối năm vừa rồi, nhà nước đã cho tôi về hưu, nhưng trường Sân khấu Điện ảnh vẫn ký hợp đồng với tôi để dạy tiếp một số môn nên tôi chưa có cảm giác là đã về hưu.
Nói là về hưu nhưng tôi còn làm việc gấp đôi gấp ba ngày trước. Tôi luôn giữ sự nghiêm túc cho mình, không bao giờ đến sau sinh viên. Tôi rất khắt khe với bản thân mình.