Sẽ đóng cửa
Ông Vương Duy Bảo cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành thông báo dự kiến từ ngày 15/6, ông sẽ “đóng cửa” khu dinh thự họ Vương. “Tại cuộc họp với Sở VHTTDL Hà Giang ngày 21/5, tôi đã thông báo nếu tỉnh không xây dựng Quy chế quản lý khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà họ Vương, chúng tôi sẽ tự quản lý”, ông Bảo nói.
Ông Vương Duy Bảo đề nghị tỉnh Hà Giang thống nhất với đại diện gia tộc họ Vương các vấn đề: Trách nhiệm Nhà nước với dinh thực vì đây là di tích quốc gia; trách nhiệm dòng họ Vương cùng Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phân chia quyền lợi từ bán vé giữa Nhà nước và nhà họ Vương.
Khi chưa thống nhất việc phân chia quyền lợi từ phí tham quan và các vấn đề liên quan khác, ông Vương Duy Bảo thông báo không tiếp nhận du khách.
Ngày 31/5, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang có văn bản gửi ông Vương Duy Bảo và Vương Quỳnh Sèo-đại diện hậu duệ nhà họ Vương người Mông, đề nghị nghiên cứu và tham ga xây dựng Quy chế quản lý khu dinh thự.
Trong văn bản, Sở nêu rõ sẽ mời đại diện con cháu nhà họ Vương tới làm việc, bàn bạc cụ thể để thống nhất việc quản lý. Tuy nhiên, ông Bảo trả lời vào ngày 5/6 rằng đến 15/6 Sở không hoàn thiện quy chế, ông sẽ tự quản lý khu dinh thự.
Theo lí luận của ông Bảo, sau khi chính quyền cấp “sổ đỏ” quyền sở hữu khu dinh thự này cho hậu duệ nhà họ Vương thì phía đại diện “có quyền chiếm hữu, sở dụng và định đoạt vì những quyền này được pháp luật bảo vệ”.
Không có quyền đóng cửa?
Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, việc ông Bảo và những người thừa kế hợp pháp dinh thự họ Vương có quyền thoả thuận nhận tiền phân chia nguồn lợi từ bán vé.
Còn chuyện ông Bảo tuyên bố “đóng cửa” dinh thự, luật sư Trần Anh Dũng nói rằng hành động đó của ông Vương Duy Bảo là không đúng. Luật sư dẫn Điều 14, 15 Luật Di sản “chủ sở hữu lần bên quản lý đều phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá”.
Nhà nghiên cứu, TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng dinh thự họ Vương là di tích quốc gia, điểm du lịch phải chịu sự điều chỉnh của Luật Du lịch và Luật Di sản.
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng tỉnh và đại diện nhà họ Vương nên ngồi lại với nhau về chuyện thu và phân phối nguồn lợi từ dinh thự. Chuyện tu bổ di tích phải xã hội hoá cả nhà nước lẫn gia tộc cùng làm, nhưng tất cả phải tuân thủ Luật Di sản văn hoá-có sự thoả thuận với Bộ VHTTDL.
“Dinh thự họ Vương là di tích quốc gia, đây là niềm vinh dự cho tỉnh, cho quốc gia nên mở cửa cho du khách là điều nên làm”, TS. Sơn nói.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu được cấp cho 16 người là con cháu họ Vương, những người thừa kế hợp pháp và đồng sở hữu khu dinh thự.
Diện tích được cấp là 4876,6m2, mục đích sử dụng là đất di tích lịch sử văn hóa. Công trình xây dựng kèm theo chính là Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương gồm hai nhà cánh, nhà chính dinh.