Xung khắc lợi ích: Nga - Thổ - Iran có còn sẵn lòng "cùng hội cùng thuyền" tại Syria?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tuy không công bố công khai nhưng ông Putin và ông Erdogan đã đạt được sự nhất trí chung về cách thức hành động của hai bên cho tình hình ở Syria sau khi Mỹ rút quân.

Ứng phó cục diện mới

Sau cuộc gặp nhau vừa rồi ở Moskva (Nga), cả tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều tỏ ra hài lòng về kết quả cuộc gặp và đề cao sự đồng thuận quan điểm về đánh giá diễn biến tình hình cũng như về định hướng giải pháp cho tương lai của Syria.

Trong thực chất, cuộc gặp này giữa hai người khó khăn hơn những lần gặp trước đó vì việc dàn xếp lợi ích ở Syria trong bối cảnh tình hình mới không còn dễ dàng suôn sẻ như trước nữa.

Bối cảnh tình hình mới này là kết quả hoặc hệ luỵ của quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria và của việc Israel và Iran đối đầu quân sự ngày càng công khai hơn và quyết liệt hơn ở Syria.

Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria sẽ tạo ra một khoảng trống an ninh quân sự và ảnh hưởng chính trị mà cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn tận dụng cơ hội và điều kiện mới có được để chiếm lấy và bù lấp.

Israel và Iran biến Syria thành chiến trường sẽ đưa đến hình thành cuộc chiến tranh mới.

Cho nên ứng phó của ông Putin và ông Erdogan bao gồm hai việc là dàn xếp phạm vi ảnh hưởng và quy mô hoạt động quân sự ở vùng miền bắc Syria và chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao tay ba mới với Iran.

Nga muốn Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria nhưng không thể thúc đẩy được Mỹ làm việc ấy trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể và vì thế ông Putin sẽ có những nhượng bộ cần thiết để Ankara thương thảo và thôi thúc Mỹ rút quân cũng như làm cho ông Trump không đảo ngược quyết định đã đưa ra về rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng sức mạnh của những chiến dịch quân sự để vô hiệu hoá hoặc tiêu diệt lực lượng YPG của người Kurd ở vùng miền bắc Syria nhưng chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi Mỹ rút quân khỏi Syria và được Nga để cho tiến hành tấn công quân sự nhằm vào YPG.

Nguy cơ xung khắc quyền lợi

Tuy không công bố công khai nhưng ông Putin và ông Erdogan đã đạt được sự nhất trí chung về cách thức hành động của hai bên cho tình huống hình thành ở Syria sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria.

Hai người này còn thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để cuộc đối đầu giữa Israel và Iran ở Syria không gây tổn hại tới lợi ích chiến lược của họ và cản phá việc họ thực hiện những mưu tính chiến lược với cục diện mới ở Syria.

Ở đây bộc lộ rất rõ mối liên hệ giữa việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria với việc Israel công khai hoá chủ ý tiến hành không kích vào căn cứ và lực lượng của Iran ở Syria. Israel phải vội vã tạo sự đã rồi và phải chính thức công khai cuộc chiến trực diện với Iran ở Syria khi Mỹ chưa rút hết quân đội ra khỏi Syria bởi nếu để sau đấy mới làm thì sẽ phải luỵ cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho nên có thể thấy cuộc gặp nhau này giữa ông Putin và ông Erdogan cùng với cuộc gặp cấp cao ba bên tới đây với Iran phục vụ cho chủ ý của họ là hoạch định lại chiến lược ở Syria cho thế cục mới.

Xung khắc lợi ích: Nga - Thổ - Iran có còn sẵn lòng cùng hội cùng thuyền tại Syria? - Ảnh 2.

Bộ ba này đã sát cánh với nhau, đã cùng hội cùng thuyền với nhau trong những năm vừa qua và vì vậy đã xoay chuyển được cục diện ở Syria theo hướng chuyển sang có lợi cho họ.

Nhưng cục diện mới đang hình thành này ở Syria lại tiềm ẩn nguy cơ gây xung khắc lợi ích và giành giật lợi thế giữa họ với nhau.

Khi phải dựa cậy lẫn nhau để đạt mục đích thì việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động là điều bắt buộc đối với họ và bộ ba dễ dàng sẵn sàng nhượng bộ và thoả hiệp với nhau.

Nhưng khi chia chiến lợi phẩm hay giành phần trong tình huống mới thì bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích lại rất dễ dàng bùng phát và khó khắc phục.

Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hiện bị đẩy và cả tự xô đẩy nhau vào tình thế là nếu tiếp tục cùng hội cùng thuyền như lâu nay ở Syria thì sẽ cùng giành về được còn nhiều hơn, cơ bản hơn và quan trọng hơn cả trước đây.

Nhưng nếu cùng thuyền mà không thật sự cùng hội hoặc không cùng hội cùng thuyền thì ngay đến cả những gì đã đạt được ở Syria tới đây cũng rất khó giữ được, nếu như không muốn nói là còn có thể bị huỷ hoại.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại