Nguy cơ xung đột Ukraine lan tới "mặt trận mới" sát sườn Nga: Mỹ sẽ nhảy vào?

Thi Anh |

Nếu Washington quyết định thể hiện sự ủng hộ của mình với Ukraine bằng cách đưa tàu chiến tới thăm các cảng Azov của Ukraine thì điều đó sẽ đảo lộn bản chất của cuộc xung đột.

Biển Azov "nóng lên"

Bộ Nội vụ Ukraine sẽ tăng số lượng quân nhân triển khai ở biển Azov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Arsen Avakov tiết lộ mới đây, Tass đưa tin.

"Chúng tôi đang tăng cường sự hiện diện của nhân sự Bộ Nội vụ, cụ thể là của Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia và Cơ quan Phòng vệ Biên giới Quốc gia. Sự an toàn của bờ biển Azov, tuyến lưu thông trên biển là quan trọng bậc nhất với chúng tôi", cơ quan truyền thông Bộ Nội vụ dẫn lời ông Avakov cho biết.

Căng thẳng xung quanh vấn đề sử dụng biển Azov, khu vực biển tiếp giáp với Ukraine về phía Bắc và phía Tây, tiếp giáp với Nga về phía Đông, đã bùng phát vào ngày 25/5, khi Cơ quan Biên phòng Ukraine bắt giữ tàu cá Nord của Nga tại đó.

Chỉ có 2 thủy thủ tìm được cách quay trở về nhà, trong khi những thành viên khác trong thủy thủ đoàn bị bắt giữ bởi Cơ quan Biên phòng Ukraine coi họ là người mang quốc tịch Ukraine, cư trú ở Crimea.

Nguy cơ xung đột Ukraine lan tới mặt trận mới sát sườn Nga: Mỹ sẽ nhảy vào? - Ảnh 1.

Cơ quan Biên phòng Ukraine bắt giữ tàu cá Nord của Nga. Ảnh: Lực lượng bảo vệ biên giới Ukraine

Sau đó, lực lượng biên phòng Nga đã đẩy mạnh kiểm tra các tàu cá Ukraine trong khi Kiev nhấn mạnh tầm quan trọng của động thái tăng cường hiện diện quân sự ở biển Azov nhằm "đối phó với lực lượng biên phòng Nga".

Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia về Ukraine, vừa nhóm họp hôm 6/9, đã đưa ra một loạt các biện pháp để tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm "bảo vệ lợi ích quốc gia ở các khu vực phía Nam", trong đó có gia tăng số lượng tàu chiến, xuồng máy, đồng thời trang bị "vũ khí tên lửa tiên tiến có độ chính xác cao" cho các phương tiện này.

Hôm 11/9, Thứ trưởng Hạ tầng Ukraine Yuri Lavrenyuk cho biết, tàu chiến bọc thép Gurza-M đầu tiên đã được triển khai ở biển Azov.

Sau đó 2 ngày, lãnh đạo lực lượng bảo vệ biên giới tiết lộ, Kiev đã quyết định tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực bằng cách đưa 270 lính đặc nhiệm tới đây. Mới đây nhất, ngày 27/9, 2 tàu chiến của Ukraine - Donbas và Korets - đã băng qua eo biển Kerch, tiến vào biển Azov và neo tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine.

Ngày 16/9, chính quyền Ukraine đã công bố các kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân trên biển Azov trước cuối năm nay, 4 ngày trước khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko xác nhận ý định của Kiev trong một bài phát biểu trước Quốc hội.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cả Nga lẫn Ukraine đều xây dựng lực lượng quân đội ở biển Azov, phần nào bắt nguồn từ việc Nga xây dựng cầu nối liền bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Cây cầu tạo nên rào cản

Biển Azov có ý nghĩa tối quan trọng với kinh tế Ukraine bởi 80% khối lượng xuất khẩu của Ukraine đều di chuyển qua tuyến đường thủy này. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, Berdyansk và Mariupol bắt đầu đón nhận thêm một lượng hàng hóa lưu thông, trước kia vốn đi tới các cảng biển ở Crimea.

Tuy nhiên, việc Nga xây dựng một cây cầu mới qua eo biển Kerch, lối đi duy nhất giữa biển Azov và biển Đen, đã cắt đứt các hoạt động vận tải hàng hóa tới các cảng Ukraine - đồng thời châm ngòi cho hoạt động tăng cường quân sự của cả 2 nước.

Nguy cơ xung đột Ukraine lan tới mặt trận mới sát sườn Nga: Mỹ sẽ nhảy vào? - Ảnh 2.

Cầu Eo biển Kerch. Ảnh: AP

Cơ bản thì cả Nga và Ukraine đều tự do sử dụng biển Azov theo một thỏa thuận năm 2003, tuy nhiên Nga đã buộc các tàu thuyền của Ukraine phải tuân thủ quy trình của mình khi di chuyển qua eo biển kể từ khi công tác xây dựng cầu bắt đầu vào tháng 4/2015.

Kết quả là số lượng vận tải hàng hóa từ Mariupol sụt giảm 27%, còn từ Berdyansk thì giảm tới 47%.

Trong những tháng gần đây, Nga đã gây gián đoạn việc vận tải hàng hóa từ Ukraine, cản trở tới 148 tàu thuyền di chuyển đến các cảng biển Ukraine trong khoảng từ tháng 5 tới giữa tháng 7, Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Volodymyr Omelyan cho hay.

Hành động của Nga đã khiến Ukraine mất thêm 20-40 triệu USD mỗi năm và mặc dù tình trạng này chưa gây thiếu hụt hàng hóa nhưng chi phí có thể sẽ đội lên cao trong tương lai.

Phản ứng trước tình trạng này, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế, thúc đẩy chính quyền Ukraine trình đơn kiện Nga trước các tòa án quốc tế và triển khai thêm hải quân tới khu vực này.

Washington nhảy vào?

Những diễn biến gần đây cho thấy xung đột ở khu vực này, vốn chỉ mới giới hạn ở trên bộ, có thể sẽ sớm lan rộng ra biển. Khả năng bùng phát xung đột giờ hoàn toàn có thể xảy ra trên biển Azov, đặc biệt nếu Mỹ cũng can dự vào cuộc xung đột này.

Cùng với cuộc xung đột ở Đông Ukraine, lập trường ủng hộ của Mỹ đối với nỗ lực tăng cường lực lượng mà Kiev đang thực hiện ở biển Azov sẽ tác động tới căng thẳng đang gia tăng ở khu vực.

Kể từ sau cuộc biểu tình Maidan, Mỹ đã đẩy mạnh hỗ trợ an ninh cho Ukraine, chuyển giao cho nước này vũ khí sát thương - đặc biệt là các tên lửa chống tăng Javelin - và tham gia vào các cuộc tập trận chung.

Liên quan tới biển Azov, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hành động được cho là "quấy rối tuyến vận tải quốc tế" của Nga, trong khi phát ngôn viên Heather Nauert cáo buộc Nga tìm cách gây bất ổn Ukraine thông qua động thái can thiệp vào tàu thuyền nước này.

Trong bối cảnh ấy, đặc phái viên Ukraine của Mỹ Kurt Volker tới Kiev và tuyên bố Washington đang cân nhắc chuyển giao thêm vũ khí sát thương cho Ukraine, mặc dù chưa rõ những vũ khí ấy có liên quan trực tiếp tới những gì đang xảy ra ở biển Azov hay không.

Tuy nhiên, thực tế thì Mỹ khó có thể làm được điều gì với hải quân Ukraine về mặt ngắn hạn bởi lực lượng này quá yếu so với Nga.

Xét về triển khai hải quân nói chung thì Nga nhỉnh hơn Ukraine rõ rệt ở khu vực quanh biển Đen. Hải quân Ukraine có 66 đơn vị hải quân phụ trợ và chiến đấu, cùng khoảng 11.000 quân nhân. Trong khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga, đặt trụ sở ở Sevastopol, có hơn 2.800 tàu và 25.000 quân nhân.

Khác biệt không chỉ nhằm ở số lượng mà còn ở cả chất lượng. Trung bình, các tàu của Ukraine nhỏ hơn và yếu hơn.

Hiện có 40 tàu chiến Nga ở biển Azov, mặc dù Moscow không triển khai các tàu chiến hiện diện thường trực ở đó. Thay vào đó, tàu chiến Nga có thể di chuyển giữa biển Azov và biển Đen trong trường hợp cần thiết. Nga cũng có 40.000 binh lính ở Crimea.

Về phần mình, Ukraine có hiện diện ở biển Azov nhưng quy mô triển khai khá nhỏ, chỉ gồm 2 biệt đội bảo vệ bờ biển ở Berdyansk và Mariupol, với những tàu tuần tra nhỏ và lỗi thời.

Nguy cơ xung đột Ukraine lan tới mặt trận mới sát sườn Nga: Mỹ sẽ nhảy vào? - Ảnh 4.

Có lẽ Washington, cũng như Brussels, phải hỗ trợ Kiev bằng những cách khác, thông qua viện trợ tài chính hoặc đầu tư đề bù đắp cho Ukraine phần nào. 

Còn nếu Washington quyết định thể hiện sự ủng hộ của mình với Ukraine bằng một cử chỉ vật chất hơn - chẳng hạn như đưa tàu chiến tới thăm các cảng Azov của Ukraine - thì điều đó sẽ đảo lộn bản chất của cuộc xung đột.

(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích, đánh giá về tình hình quanh biển Azov trong thời gian gần đây của hệ thống thông tin tình báo địa chính trị tư nhân Mỹ Stratfor.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại