Chuyển dịch giữa các liên minh
Cuộc chiến kéo dài suốt hơn 8 năm tại Syria đã làm thay đổi động lực của khu vực theo cái cách mà Mỹ và các đồng minh của mình gần như chưa từng mường tượng.
Thông qua những tài liệu bị rò rỉ, người ta biết rằng mục tiêu tạm thời của Washington ít nhất là gây bất ổn cho chính quyền Assad với hy vọng thu hẹp ảnh hưởng của Iran.
Tất nhiên, chiến lược chống Assad này đã bị phản ứng ngược khi lực lượng do Iran hậu thuận hiện diện dày đặc dọc biên giới Syria - Israel, đe dọa tới đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực.
Một diễn biến đáng chú ý khác - khá quan trọng - là Nga, chứ không phải Mỹ, đã bước ra khỏi Syria hoang tàn như một chiến lược gia quân sự và đóng vai trò trung gian quyền lực chính.
Tuy nhiên, có vẻ như thể đây chỉ là khởi đầu cho một động thái kiến tạo theo chiều hướng rời xa thực trạng. Tám năm kể từ khi chiến sự Syria bùng phát và giờ chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy những chuyển dịch cụ thể trong các liên minh khu vực vốn có đồng minh truyền thống của Washington, đặc biệt là Ả Rập Saudi.
Cuộc chiến kéo dài suốt hơn 8 năm tại Syria đã làm thay đổi động lực của khu vực. Ảnh: Reuters
Qatar, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang thành lập một liên minh khu vực, khiến Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh khác khó chịu - và họ chỉ có thể tự trách chính mình.
Sau khi Ả Rập Saudi dẫn đầu một liên minh các nước tìm cách gây sức ép với Qatar và thông qua một danh sách yêu cầu khó hiểu vào tháng 6/2017, Qatar sớm phát hiện ra rằng mình có thể dựa vào một số đối tác chủ chốt để xử lý cơn bão mà Ả Rập Saudi khuấy động.
Những đối tác ấy giờ công khai thành lập một liên minh mới, sẽ khiến cán cân quyền lực ở Trung Đông bị xáo trộn. Nỗ lực thắt chặt quan hệ giữa các thành viên trong trục này khá đáng chú ý, khi họ được cho là đã giữ những vai trò đối lập trong cuộc xung đột ở Syria.
Khi Ả Rập Saudi chặn biên giới trên bộ duy nhất của Qatar và UAE cản trở vận tải từ các cảng của mình tới Doha, Qatar nhanh chóng tìm thấy bè bạn ở Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để vượt qua động thái cấm vận này.
Những chuyến bay của Qatar được điều hướng qua không phận Iran còn Thổ Nhĩ Kỳ thì tăng cường hiện diện quân sự ở nước này như một dấu hiệu của sự cam kết và sức mạnh.
Cuối cùng, cuộc sống thường nhật ở Qatar có thể tiếp diễn khá ổn. Điều này không có nghĩa là Qatar không gặp khó khăn gì, đặc biệt liên quan tới giá dầu, giá bất động sản, du lịch và tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Nhưng rồi Qatar lại có thể sử dụng nguồn dự trữ của mình để đối phó với các tác động, giảm thiểu thiệt hại do các nước láng giềng gây ra.
Trục mới Iran - Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ
Tính đến cuối năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan đều đã tăng cường thương mại song phương với Qatar, đem lại lợi ích cho cả 4 nước.
Trong vòng chưa đầy 6 tháng kể từ khi "khủng hoảng Qatar" bắt đầu, thương mại giữa Iran và Qatar được cho là đã tăng lên 117%. Vào lúc đó, các chuyên gia nghiên cứu khủng hoảng dự báo rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí là sau khi cuộc khủng hoảng Qatar do Ả Rập Saudi dẫn đầu khép lại.
Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ký kết một hiệp ước giao thông trên bộ hồi tháng 8 năm đó, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian quá cảnh phục vụ trao đổi hàng hóa. Cứ nhìn cách Ả Rập Saudi phong tỏa dòng chảy hàng hóa vào Qatar thì cũng không khó để thấy rằng chỉ mình thỏa thuận này cũng mang ý nghĩa đáng kể.
Về phần mình, Qatar đã đầu tư mạnh tay vào Thổ Nhĩ Kỳ, tổng cộng lên tới hơn 20 tỉ USD. Như nhận định của Al-Jazeera thì đây là mức đầu tư cao thứ nhì (xét về giá trị) từ bất kỳ quốc gia nào. Điều này cho thấy tầm quan trọng mà hai nước đã xác lập với nhau.
Theo phần đông quan điểm, các nước vùng Vịnh cần Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía mình để kiềm chế Iran.
Một báo cáo do Middle East Eye công bố gần đây cho thấy Ả Rập Saudi, UAE và Ai Cập đã ấp ủ một kế hoạch với Israel nhằm thu hẹp tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong khu vực, trong đó Ankara có vẻ là mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với lợi ích của các nước vùng Vịnh.
Khi thành hình, trục Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran có khả năng cung cấp một vùng đệm cho cái được biết tới là "NATO Ả Rập" (sẽ do Ả Rập Saudi dẫn đầu). Mặc dù Ả Rập Saudi có vẻ đang tìm cách kéo Pakistan về phe mình nhưng trên thực tế, Pakistan vẫn đang chia sẻ biên giới với Iran và phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc - một đồng minh quan trọng của Iran.
Thực tế rằng liên minh này nhiều khả năng sẽ được Nga ủng hộ cũng là một mối lo ngại đối với liên minh chống Iran. Nga, Iran và Qatar cung cấp quá hơn một nửa lượng khí đốt dự trữ của thế giới, chưa kể tới việc Iran và Qatar chia sẻ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới - một mối lo ngại khác đối với liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu.
Truyền thông Ả Rập Saudi vốn đã bày tỏ sự phản đối của mình trước liên minh này. Theo Al Arabiya, có "nguy cơ" Qatar sẽ "tách khỏi quỹ đạo Ả Rập và trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain".
Cùng lúc này, Qatar kêu gọi thành lập 1 liên minh mới để thay thế cho Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), động thái thể hiện sự chuyển dịch trong lập trường.
Theo trung tâm nghiên cứu Katehon của Nga, trục Qatar - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ mới vốn đã được thiết lập và nắm giữ sức mạnh kiểm soát châu Á, Tây Ấn và Pakistan, đồng thời thách thức liên minh Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi.
"Đừng đánh giá thấp vai trò của Qatar nhỏ bé trong liên minh 3 nước", Katehon nhận định, "Nguồn lực tài chính khổng lồ cùng vị trí địa lý có lợi của nước này cho phép họ đối đầu thậm chí cả với đất nước quyền năng Ả Rập Saudi - hiện cũng đang giành quyền thống trị khu vực".
"Vì thế, áp lực quốc tế và các hạn chế về mặt kinh tế đã khiến 3 quốc gia hoàn toàn riêng biệt, bất chấp khác biệt địa chính trị, bắt đầu thiết lập quan hệ trong môi trường kinh tế. Mối quan hệ này sẽ trở nên như thế nào trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào hành động của Mỹ".
(*) Bài viết được lược dịch từ bài phân tích của nhà phân tích chính trị và pháp lý Darius Shahtahmasebi từ New Zealand đăng tải trên RT.