Sở dĩ Mỹ lo ngại việc Nga hỗ trợ trực tiếp Iran là bởi giữa Moskva và Tehran có khá nhiều chương trình hợp tác kinh tế - quân sự và hai nước được xem như đồng minh của nhau.
Với diễn biến mới nhất khi Mỹ điều động nhóm tàu sân bay tới vịnh Ba Tư còn Iran đưa các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 ra sát eo biển Hormuz thì có vẻ như nguy cơ chiến tranh đã lởn vởn.
Những hành động của Mỹ gần đây cho thấy họ có vẻ sẵn sàng sử dụng vũ lực mà chẳng hề ngại ngần chút nào về phản ứng của Nga, nguyên nhân trên là do đâu?
Nếu dính líu thêm vào cuộc xung đột Iran đồng nghĩa đối đầu trực tiếp với Mỹ thì nền kinh tế Nga sẽ khó lòng gượng dậy nổi khi phải lĩnh thêm các biện pháp bao vây, cấm vận.
Hơn nữa thực tế quan hệ Nga - Iran thời gian gần đây đã có khá nhiều dấu hiệu rạn nứt tương đối nghiên trọng, xoay quanh việc tranh giành ảnh hưởng tại Syria.
Không ít lần Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu người đồng cấp nước chủ nhà Syria ra lệnh cho quân đội Iran rút hoàn toàn về nước, đây là điều mà Tehran cho rằng không thể chấp nhận được.
Chưa dừng lại đó, trong tháng trước đã liên tiếp xuất hiện thông tin về những cuộc đụng độ giữa quân nhân Nga với các nhóm vũ trang thân Tehran, thậm chí với chính vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tại Syria.
Chắc chắn Moskva sẽ toan tính rằng trong trường hợp nổ ra cuộc chiến tranh với Mỹ thì Iran sẽ phải gọi toàn bộ lực lượng đóng ở Syria về nước đây là diễn biến rất có lợi cho Nga.
Ngoài ra cũng phải nhắc đến việc Moskva tỏ ra không vừa lòng khi Tehran không đồng ý cho máy bay chiến đấu Nga xuất kích từ các căn cứ bên trong lãnh thổ nước này.
Sự việc Tehran cáo buộc Nga âm thầm cung cấp mã nguồn tổ hợp phòng không tầm xa S-300PMU-2 cho Israel để đổi lấy công nghệ máy bay không người lái là một ví dụ khác cho thấy sự rạn nứt giữa hai đồng minh.
Với những lý do kể trên, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công của Mỹ (có khả năng Israel sẽ tham gia giúp đỡ) thì gần như chắc chắn Tehran chỉ có thể trông cậy vào sức mình.
Nếu Iran có được sự giúp sức từ một quốc gia đồng minh khác thì khả năng cao đó sẽ là Trung Quốc chứ không phải là Nga, do quan hệ giữa Bắc Kinh với Tehran cũng là rất thân thiết.
Tình hình địa chính trị tại khu vực Trung Đông trong những ngày tới dự báo còn diễn biến theo chiều hướng cực kỳ phức tạp và khó lòng dự đoán chính xác bước đi của các bên liên quan.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-xung-dot-quyen-loi-se-khien-nga-khong-giup-iran-khi-bi-my-tan-cong/811566.antd