Xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc bằng thỏa thuận hòa bình hay chiến tranh hạt nhân?

Hồng Anh |

Giới phân tích đã đưa ra dự báo về 6 kịch bản về cuộc xung đột Nga-Ukraine trong thời gian tới.

Binh sĩ Ukraine nã đạn pháo nhằm vào các mục tiêu của Nga ở ngoại ô Bakhmut, ngày 8/11/2022. Ảnh: AFP

Binh sĩ Ukraine nã đạn pháo nhằm vào các mục tiêu của Nga ở ngoại ô Bakhmut, ngày 8/11/2022. Ảnh: AFP

Cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện giờ đã bước sang tháng thứ 11 mà không có dấu hiệu kết thúc. Tổn thất của cả hai bên vô cùng lớn, nhiều thành phố biến thành nơi hoang tàn đổ nát, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Nga vẫn kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở phía Đông và phía Nam Ukraine, trong khi Ukraine cố gắng duy trì một cuộc phản công lớn để giành lại những khu vực đã mất.

Xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945 và đang bước vào giai đoạn tiêu hao. Liệu cuộc xung đột có thể kết thúc bằng đàm phán hòa bình hay chiến tranh hạt nhân? Giới phân tích đã đưa ra dự báo về 6 kịch bản trong thời gian tới.

Lệnh ngừng bắn

Ông Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng, nếu cuộc chiến rơi vào bế tắc, nhiều khả năng sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Nga và Ukraine.

“Tuy nhiên, đây không phải là sự kết thúc mà chỉ là sự giảm tần suất các cuộc giao tranh, ít nhất là trong thời gian ngắn. Chiến sự sẽ trở thành một điều gì đó gần giống với cuộc xung đột đóng băng. Nó có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt, tùy thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Seth Jones lưu ý.

Trong kịch bản này, Nga có thể hy vọng rằng Mỹ và các nước châu Âu sẽ giảm sự quan tâm đối với cuộc xung đột và giảm mức độ ủng hộ dành cho Ukraine. “Cuối cùng, điều đó sẽ thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Nga và cho phép Moscow kiểm soát các vùng lãnh thổ theo cách mà họ muốn”.

Thỏa thuận hòa bình

Một kịch bản khác là giao tranh sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, mặc dù việc đạt thỏa thuận rất khó khăn vì cả Nga và Ukraine đều theo đuổi các mục tiêu khác nhau. Hơn nữa, cả hai bên đều xem những khu vực mà họ nắm giữ là lãnh thổ hợp pháp của mình.

Chuyên gia Seth Jones cho rằng: “Tổng thống Nga Putin đã can thiệp quá sâu vào cuộc xung đột. Ông ấy đã đổ nhiều nguồn lực tài chính và quân sự, vì thế ông không thể rút khỏi cuộc chiến mà không đạt được những thành công rõ ràng”.

Mặc dù chưa rõ Tổng thống Putin định nghĩa ra sao về thành công của chiến dịch quân sự, nhưng theo nhà phân tích Seth Jones, ông có thể chấp nhận việc Nga kiểm soát nhiều khu vực ở Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson – những nơi mà ông coi là mục tiêu đã định của Nga.

Câu hỏi phức tạp hơn là Ukraine có sẵn sàng nhượng bộ trong thỏa thuận hòa bình với Nga hay không. Ông Seth Jones nói rằng, nếu Tổng thống Zelensky chấp nhận trao bất cứ vùng lãnh thổ nào cho Nga thì điều này không khác nào “hành động tự sát về mặt chính trị”.

Nga giành chiến thắng

Khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mục tiêu của Nga là nhanh chóng giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev, lật đổ chính quyền đương thời và thành lập một chính phủ mới thân Nga. Tuy vậy, Ukraine đã nỗ lực ngăn chặn Nga thực hiện mục tiêu này.

“Ít nhất cho đến tháng 2/2022, quân đội Nga vẫn được coi là một trong những lực lương quân đội mạnh nhất thế giới, cùng với Trung Quốc và Mỹ. Nhưng Ukraine đã ngăn chặn chiến dịch chớp nhoáng của Nga nhằm chiếm thủ đô Kiev và lật đổ chính phủ”, ông Seth Jones lưu ý.

Vẫn chưa rõ liệu Nga có thể xoay chuyển cuộc chiến và đạt được các mục tiêu ban đầu của nước này hay không, nhưng họ có thể chấp nhận một “chiến thắng” dưới dạng thỏa thuận hòa bình, trong đó Moscow kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Trong viễn cảnh này, Nga trở nên hoàn toàn chiếm ưu thế và phía Ukraine tiếp tục chịu thiệt hại. Nhưng một số nước phương Tây dường như khó chấp nhận kịch bản này và sẽ tăng cường viện trợ cho Ukraine, khiến cuộc chiến leo thang hơn nữa.

Nga rút quân, Ukraine giành chiến thắng

Tổng thống Ukraine nhiều lần khẳng định: "Ukraine chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến ". Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một đòn giáng mạnh vào Moscow trong thời gian qua.

Ukraine hiện đang tập trung vào việc phản công, sử dụng các tên lửa tầm xa mới để giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát và dần chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công.

Tuy vậy, theo chuyên gia Seth Jones, rất khó có khả năng các lực lượng Nga sẽ rút lui hoàn toàn. Ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu ở Washington D.C cho rằng, bất chấp những tổn thất về nhân lực và vật lực cùng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây trong thời gian qua, không có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin sẽ lùi bước.

Xung đột kéo dài

Không phải tất cả các cuộc giao tranh đều kết thúc với việc một bên tham chiến giành được thắng lợi rõ ràng. Khả năng khác là xung đột tiếp tục diễn ra ác liệt mà không có bất cứ lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình nào và cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm.

Theo kịch bản này, các lực lượng đặc nhiệm của hai nước sẽ chiến đấu dọc theo chiến tuyến. Ukraine có thể tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công du kích vào các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, còn Nga sử dụng tên lửa tầm xa phóng từ lãnh thổ của mình hoặc Belarus vào Ukraine.

Ở giai đoạn hiện tại, xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Thay vì tìm cách kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ, mục tiêu của Nga ở giai đoạn này dường như là làm suy yếu tài nguyên, nền kinh tế và quân đội của Ukraine. Trong cuộc chiến kéo dài, bên nào có thể cầm cự lâu hơn, bên đó sẽ giành chiến thắng.

Theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Tướng Serge Surovikin – chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga có kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc tại các vùng lãnh thổ do nước này kiểm soát, đồng thời lợi dụng tình trạng “xung đột đóng băng” trong mùa Đông để củng cố và tái tập hợp lực lượng.

Tổ chức tư vấn này cho rằng, quân đội Nga sẽ không tìm cách phát động thêm bất cứ cuộc tấn công quy mô lớn nào vào lãnh thổ Ukraine mà dành thời gian để khôi phục khả năng chiến đấu của họ.

Chiến tranh hạt nhân và sự can thiệp của NATO

Tổng thống Putin nhiều lần cảnh báo sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết để bảo vệ Nga. Các nước phương Tây và nhiều chuyên gia đã bị chia rẽ về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này.

Nếu các lực lượng Nga phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện, ông Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường, đặc biệt ở những vùng lãnh thổ mà ông tuyên bố là của Nga, nhưng chuyên gia Seth Jones cho rằng, rủi ro từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ lớn hơn bất cứ lợi ích nào nó mang lại.

“Có rất nhiều rủi ro về mặt chính trị, ngoại giao và tình hình sẽ nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Seth Jones nhấn mạnh.

Vẫn chưa rõ liệu NATO có can dự vào cuộc chiến trong trường hợp kịch bản này xảy ra hay không. Một quan chức cấp cao của NATO từng cho biết, cuộc tấn công hạt nhân của Nga có thể khiến NATO phải đưa ra “phản ứng vật lý”.

Song chuyên gia Seth Jones lưu ý, nếu NATO tuyên chiến với Nga thì có thể dẫn đến Thế chiến 3 – điều mà liên minh này luôn muốn tránh. Vì thế trước hết, NATO có thể đẩy mạnh trừng phạt Nga và tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại