Theo ông Michel, quan hệ an ninh giữa châu Âu và Washington đã được củng cố kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
"Đã có sự hợp tác chưa từng có tiền lệ trong xung đột ở Ukraine" - ông Michel nói trong một bài phỏng vấn với báo Corriere della Sera (Ý) hôm 3-12. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng tác động của cuộc xung đột đối với Mỹ không giống như với châu Âu.
Ông Michel nhận định mọi thứ dễ dàng hơn cho Mỹ vì họ là nhà xuất khẩu năng lượng và hưởng lợi từ giá dầu thô và khí đốt tăng, trong khi EU "phải trả một cái giá đắt".
Quan chức cấp cao EU giải thích: "Châu Âu đang đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế. Các ngành công nghiệp châu Âu phải trả nhiều tiền hơn để mua năng lượng và đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngành công nghiệp Mỹ".
Các ngành công nghiệp châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng và đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngành công nghiệp Mỹ. Ảnh: TASS
Khi được hỏi liệu ông có thấy bị "phản bội" khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua Đạo luật giảm lạt phát hay không, ông Mitchel đáp: "Mỹ luôn ưu tiên lợi ích kinh tế của họ".
Ông Mitchel cho biết: "Có đi có lại và có một sân chơi bình đẳng là điều cần thiết để cơ chế toàn cầu hóa hoạt động". Ông hy vọng EU và Mỹ có thể thảo luận về hợp tác chung trong thời gian tới.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng chỉ trích luật giảm lạm phát với các điều khoản trợ cấp và giảm thuế quy mô lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xanh ở Mỹ. Châu Âu lo ngại các biện pháp này sẽ thu hút các doanh nghiệp châu Âu đến Mỹ do giá năng lượng thấp hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, các công ty EU sẽ không thể cạnh tranh với công ty Mỹ trong tương lai.
Về việc áp giá trần của phương Tây lên dầu mỏ Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3-12 nhấn mạnh Nga sẽ không chấp nhận mức giá trần đó. Ông nói rằng Moscow đang phân tích và sẽ sớm đưa ra phản ứng thích hợp.
Phát biểu của ông Peskov được đưa ra một ngày sau khi EU và G7 đạt đồng thuận về mức giá trần dầu Nga là 60 USD/thùng. Theo đài RT, các văn kiện chính thức dự kiến được phê duyệt vào cuối tuần này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow sẽ không chấp nhận mức giá trần đối với dầu Nga. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận về giá trần cấm các công ty vận chuyển, công ty bảo hiểm của châu Âu xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu trừ khi chúng được bán với giá 60 USD/thùng trở xuống. Việc này có thể làm việc vận chuyển dầu thô của Nga trở nên phức tạp ngay cả đối với các nước không tham gia thỏa thuận. Mức giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5-12 hoặc "rất sớm sau đó".
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng mức trần giá dầu Nga không đủ mạnh, sẽ không có tác dụng ngăn cản Nga tấn công Ukraine. Ông Zelensky phàn nàn thế giới đã cho thấy sự yếu kém khi đặt mức trần ở mức 60 USD, động thái mà ông cho rằng sẽ làm ngân sách Nga tăng thêm 100 tỉ USD mỗi năm.
Trước đây, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp giá trần dầu Nga, cảnh báo việc áp giá trần sẽ phá hoại thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.