Nga và Ukraine đều không muốn buông Azov
Cuối tháng 9, Hải quân Ukraine tuyên bố, 2 tàu của nước này đã di chuyển thành công từ Biển Đen đến biển Azov, qua vùng biển do Nga kiểm soát và thực thi quyền hàng hải của Ukraine theo luật quốc tế.
Một hãng tin của Ukraine đã ca ngợi động thái này là "một hoạt động thông minh và táo bạo ngay trước mũi kẻ thù" trong khi truyền thông Nga mỉa mai hành động này là những con tàu "rỉ sét bò" qua bán đảo Crimea.
Chủ nhật cuối tuần trước, 3 tàu khác của Ukraine đã nỗ lực thực hiện chuyến đi tương tự. Lần này, các tàu hải giám Nga đã ngăn chặn, đâm va và nã đạn vào tàu Ukraine.
Quan chức Nga cho biết, các tàu Ukraine đã không xin phép và không tuân theo hiệu lệnh dừng tàu. Moscow đã giữ 3 tàu và 24 thủy thủ trên tàu, một số đã bị thương trong vụ va chạm.
Ukriane khẳng định họ có quyền tự do hàng hải và những thủy thủ trên tàu đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công.
Không phải ngẫu nhiên mà xung đột Nga - Ukraine diễn ra trên biển. Với Kiev, giữ được vùng biển Azov mở cửa với các tàu của nước này không chỉ là vấn đề nguyên tắc pháp lý. Đây còn mà vấn đề chiến lược và kinh tế.
Còn với Kremlin, thách thức bởi hải quân Ukraine có tính biểu tượng. Cuộc giao tranh hải quân trên biển Azov chủ yếu là việc Nga khẳng định rằng sáp nhập Crimea là không thể đảo ngược.
Biển Azov là một vùng biển nông, giáp với cả Ukraina và Nga. Lối vào duy nhất của biển Azov đến các vùng biển mở là qua eo biển Kerch, nối liền với Biển Đen.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, điện Kremlin đã giành quyền kiểm soát trên cả hai mặt của eo biển Kerch. Vào tháng 5, Nga đã khánh thành một cây cầu dài 12 dặm qua eo biển Kerch nối với bán đảo Crimea.
Cây cầu này là biểu tượng tuyên bố chủ quyền của Nga với Crimea. Sau vụ việc hôm Chủ nhật cuối tuần trước, cây cầu này trở thành đường duy nhất tiến vào biển Azov. Để ngăn 3 tàu Ukraine đi qua, Nga đã đặt một tàu chở hàng ngay dưới cầu.
Tính toán của Ukraine đổ bể?
Sau vụ đụng độ, ông Poroshenko gọi hành động của Nga trên biển là "một giai đoạn xâm lược mới". Tổng tống Ukraine cũng cảnh báo về một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng trên đất liền chống lại Ukraine để bảo đảm việc áp đặt thiết quân luật.
Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn tình trạng thiết quân luật có hiệu lực từ thứ Tư tuần này, kéo dài 30 ngày, áp dụng cho các vùng biên giới và cam kết sẽ không trì hoãn cuộc bầu cử.
Sonya Koshkina, biên tập viên của trang web tin tức Kiev lb.ua cho rằng, sự thiếu minh bạch của Tổng thống Poroshenko trong việc thúc đẩy thông qua tình trạng thiết quân luật đã làm gia tăng "khoảng cách giữa chính phủ và người Ukraina".
Nhà báo Ukraine Maxim Eristavi cảnh báo rằng việc thông qua tình trạng thiết quân luật có thể đè bẹp nền dân chủ còn non trẻ của nước này.
Trong khi đó, căng thẳng leo thang này không làm tổn thương sự tín nhiệm của Tổng thống Putin ở trong nước.
Sau khi tái đắc cử trong nhiệm kỳ thứ 4 vào hồi đầu năm nay tỷ lệ ủng hộ của ông Putin đã bị ảnh hưởng trong bối cảnh sự phản đối với việc chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giá nhiên liệu. Số người cho biết họ tin tưởng vào Tổng thống Nga đã giảm 20 điểm % xuống 39% trong vòng chưa đầy một năm, theo Trung tâm thống kê độc lập Levada.
Sự kiện này đã giúp ông Putin lấy lại được sự tín nhiệm. Hiện tỷ lệ ủng hộ của ông là cao nhất chỉ sau thời điểm Nga sáp nhập Crimea.
Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của Ukraine trong cuộc cạnh tranh với người hàng xóm khổng lồ là giữ sự chú ý của thế giới - đặc biệt là của Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi các nhà lãnh đạo NATO, Liên minh châu Âu và Đức lên tiếng phản đối chống lại việc Nga giữ các tàu Ukraine và thủy thủ, Tổng thống Trump lại để Đại sứ của Mỹ ở Liên Hợp Quốc Nikki Haley lên tiếng.
Mặc dù trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, Tổng thống Trump đe dọa ông có thể hủy bỏ cuộc họp với người đồng cấp Nga liên quan đến đụng độ giữa Moscow và Kiev.
Nhưng trong một cuộc họp báo Nhà Trắng ngày hôm sau, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã không đề cập đến việc này và tuyên bố, phát ngôn của bà Haley đã phát ngôn cuối cùng của chính quyền về vụ việc diễn ra ở eo biển Kerch.