Quân đội Ukraine lái xe tăng tại một địa điểm ở miền Đông ngày 29/12. Ảnh: AFP
Những tín hiệu trái ngược nhau
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11. Thiệt hại của một cuộc xung đột kéo dài ngày càng gia tăng. Giao tranh giữa Nga và Ukraine đã gây tác động trên toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi thứ từ nguồn cung năng lượng đến nguồn cung thực phẩm, đặc biệt tại những nước dễ tổn thương nhất trên thế giới.
Một mặt, xung đột dường như sẽ không sớm kết thúc và hiện không có dấu hiệu cho thấy nó sẽ chấm dứt vào năm tới. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Moscow sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự cho tới khi đạt được mục tiêu và cuộc xung đột này có thể trở thành một "quá trình lâu dài".
Bên cạnh đó, các quan chức Ukraine gần đây cáo buộc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào năm tới, sớm nhất có thể là vào tháng 1.
Mặt khác, những diễn biến gần đây như các cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ, cũng như sự mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho thấy ngoại giao vẫn có thể đạt được các kết quả thực tế, trong khi Ukraine tăng cường các hoạt động ngoại giao với Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ qua các cuộc điện đàm và các chuyến thăm cấp cao.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là những dấu hiệu dường như trái ngược nhau ở trên cho thấy điều gì về xu hướng xung đột Nga - Ukraine năm 2023? Trong khi kết cục cụ thể của cuộc xung đột trong năm tới khó có thể dự đoán thì có một số nhân tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến tình trạng giao tranh giữa hai bên.
Trong một vài tháng vừa qua, với sự hỗ trợ vũ khí từ phương Tây, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công và tuyên bố giành lại một số vùng lãnh thổ tại những khu vực quan trọng như Kharkiv và Kherson.
Về phía Nga, nước này cũng có một số dịch chuyển so với chiến lược ban đầu. Moscow đã rút quân khỏi mặt trận phía Bắc của cuộc xung đột để tập trung vào phía Đông và phía Nam của Ukraine - vốn đóng vai trò như cầu nối giữa các lực lượng được triển khai ở Crimea với các lực lượng ở Donbass.
Tổng thống Putin cũng đã ra lệnh động viên một phần và tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine gồm: Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson để củng cố các vị trí ở đây.
Kể từ tháng 10, Nga đã thay đổi chiến thuật, tấn công vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng các cuộc không kích tên lửa và UAV. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công này có mục đích làm gián đoạn khả năng của Ukraine trong việc sửa chữa trang thiết bị và huy động quân đội.
Mức độ phương Tây ủng hộ cho Ukraine
Trong khi đó, Ukraine cho biết nước này có khả năng để giành lại nhiều lãnh thổ hơn ở phía Nam và phía Đông trong năm tới sau khi thực hiện các cuộc tấn công vào tuyến cung cấp hậu cần của Nga, cũng như các mục tiêu trên Bán đảo Crimea thời gian vừa qua.
Dù vậy, Kiev đánh giá, quy mô các vùng lãnh thổ mà nước này giành lại sẽ phụ thuộc một phần vào sự ủng hộ của phương Tây trên mặt quân sự cũng như tài chính để hỗ trợ nước này bảo vệ và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mỹ và đồng minh đã cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 1 tỷ USD trong mùa đông. Đặc biệt, Washington đã quyết định cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine và thông qua gói hỗ trợ trị giá 45 tỷ USD sau chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Phương Tây đã khẳng định sẽ tiếp tục và tăng cường ủng hộ Ukraine trong thời gian tới.
Ngoài ra, Mỹ đã tăng gần gấp đôi số lượng hợp đồng mua bán vũ khí với các nước NATO năm 2022 so với năm 2021, giữa bối cảnh các nước này tăng cường bổ sung các vũ khí hiện đại sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Năm 2021, chính phủ Mỹ thông qua 14 thương vụ buôn bán vũ khí lớn cho các nước NATO với giá trị khoảng 15,5 tỷ USD. Năm 2022, con số này lên tới 24 thương vụ với khoảng 28 tỷ USD, trong đó có các hợp đồng trị giá khoảng 1,24 tỷ USD sẽ được cung cấp cho thành viên NATO tương lai là Phần Lan.
Sự gia tăng trên đã phản ánh sự dịch chuyển lớn về bối cảnh an ninh châu Âu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2. Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho các đồng minh ở châu Âu về ngắn hạn khi ngành quốc phòng châu Âu đang chật vật đáp ứng nhu cầu vũ khí và đạn dược thời chiến.
Các hợp đồng quốc phòng mới cũng được ký kết giữa bối cảnh phương Tây lo ngại các nước NATO sẽ cạn kiệt thiết bị quân sự để hỗ trợ cho Ukraine. Các quan chức quốc phòng và chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang gặp thách thức để nhanh chóng mở rộng khả năng nhằm theo kịp nhu cầu mới.
"Châu Âu ngày càng lo ngại không có đủ vũ khí sau khi cung cấp quá nhiều cho Ukraine", Rachel Rizzo, học giả tại Hội đồng Đại Tây Dương cho hay.
Trong giai đoạn hiện nay của xung đột, Ukraine phóng khoảng 4.000 - 7.000 quả đạn/ngày, do đó Kiev nhanh chóng cạn kiệt số lượng đạn dược mà phương Tây cung cấp. Mỹ đã hỗ trợ khoảng 806.000 quả đạn pháo 155mm cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Trong khi đó, Anh - một trong những nước có quân đội mạnh nhất châu Âu cung cấp cho Ukraine khoảng 16.000 quả đạn trong khi chính nước này cũng đang chật vật khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung.
Vào tháng 11, chính phủ Anh thông báo một trong những công ty quốc phòng hàng đầu của nước này sẽ mở rộng sản xuất đạn pháo.
Cơ sở để Nga duy trì khả năng tiếp tục chiến dịch quân sự
Trong khi Mỹ và NATO thể hiện thái độ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine và cô lập Nga thì điều này không diễn ra ở ngoài phương Tây. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt Nga.
Những nước này và một số quốc gia khác không thuộc phương Tây thậm chí đã tăng cường quan hệ kinh tế và năng lượng với Moscow kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Các mối quan hệ này đã khiến Nga có thể đối phó với sức ép trừng phạt từ phương Tây cũng như tránh được kết cục sụp đổ về kinh tế, từ đó duy trì nguồn lực để tiếp tục chiến dịch quân sự và thúc đẩy các đợt tiến công mới.
Trên thực tế, mặc dù thúc đẩy quan hệ với Nga nhưng những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thận trọng trong các phát ngôn của mình. Trung Quốc mặc dù ủng hộ Nga nhưng không công khai chọn bên.
Ấn Độ cũng kiên định với lập trường trung lập trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lên tiếng phản đối cuộc xung đột ở Ukraine. Các quốc gia này có những lợi ích thực tế khi nhập khẩu năng lượng từ Nga, đặc biệt là trường hợp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu hai bên không thể đạt được chiến thắng tuyệt đối về quân sự, điều khó có thể xảy ra trong giai đoạn hiện nay thì những tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội từ cuộc xung đột có thể sẽ gia tăng và con đường ngoại giao có thể trở nên cấp bách hơn.
Dù vậy, điện Kremlin đã khẳng định sẽ tiếp tục xung đột cho tới khi đạt được mục tiêu trong khi Ukraine kiên quyết sẽ không dừng lại cho đến khi giành lại tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea và các khu vực ở Donbass mà nước này mất quyền kiểm soát từ năm 2014.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine được cho là sẽ bước vào một năm khó khăn tiếp theo với những nút thắt và bước ngoặt bất ngờ. Đó có thể là sự leo thang quân sự, sự dịch chuyển chính trị hoặc những tiến triển ngoại giao liên quan đến sự hòa giải quốc tế.