Xung đột Nagorno-Karabakh: Hạ nhiệt hay bùng phát thành ngọn lửa lớn?

Phạm Hà |

Xung đột tại Nagorno-Karabakh có thể tạo lỗ hổng an ninh gây bất ổn cho các nước trong khu vực, cũng như kéo các cường quốc tham gia vào một cuộc xung đột lớn hơn.

Nga đang nỗ lực để hạ nhiệt xung đột Nagorno-Karabakh khi mời Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đến Moscow để tham gia đối thoại hòa bình. Việc hai bên chấp thuận ngồi xuống đối thoại cho thấy cơ hội để tháo ngòi nổ căng thẳng, trong bối cảnh xung đột hiện nay đang có nguy cơ thổi bùng thành ngọn lửa lớn.

Bộ Ngoại giao Nga chiều 9/10 cho biết cả Armenia và Azerbaijan đã chấp nhận đề xuất đối thoại sau khi Nga mời hai Ngoại trưởng đến Moscow thảo luận về căng thẳng hiện nay. Theo quan chức Nga, các hoạt động chuẩn bị đang tích cực diễn ra và đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi giao tranh xảy ra vào ngày 27 tháng 9, mở ra cơ hội hạ nhiệt những căng thẳng hiện nay.

Là một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, Nam Kavkaz nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á. Xung đột tại Nagorno-Karabakh có thể tạo lỗ hổng an ninh gây bất ổn cho các nước trong khu vực, cũng như kéo các cường quốc tham gia vào một cuộc xung đột lớn hơn. Do đó không chỉ Nga- một quốc gia trong khu vực, nhiều cường quốc khác cũng tích cực tham gia vào nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho xung đột Nagorno-Karabakh .

Đại diện của Pháp, Mỹ, Nga hôm qua có cuộc họp tại Geneva để thảo luận giải pháp cho khu vực.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Ledrian cho rằng, hàng loạt các nỗ lực ngoại giao quốc tế sẽ giúp hai bên ngồi xuống bàn đối thoại. “Có các cuộc đối thoại tại Geneva và các cuộc họp khác tại Moscow vào ngày 12 tháng 10. Chúng tôi hi vọng rằng những nỗ lực ngoại giao này có thể dẫn đến thành công trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán. Tuy nhiên kết quả sẽ không đạt được nếu các bên đều đặt ra điều kiện này hay điều kiện kia để bắt đầu một lệnh ngừng bắn”.

Có thể nói cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đang ở giai đoạn then chốt. Nếu các bên thiện chí ngồi xuống đàm phán sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng, trong khi không ai nhượng bộ sẽ thổi bùng thành một ngọn lửa lớn với hậu quả không kiểm soát được.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng bảo vệ Azerbaijan, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể bao gồm 6 thành viên trong đó có Nga và Armenia hôm qua cảnh báo rằng họ có thể can thiệp vào cuộc xung đột nếu chủ quyền của Armenia bị đe dọa. Hai quốc gia Azerbaijan và Armenia hiện cũng đều cáo buộc lẫn nhau sử dụng bom chùm trong các cuộc tấn công, trong đó có khu vực dân sự, trong đó có nhiều lo ngại về việc có lực lượng lính đánh thuê nước ngoài được triển khai đến khu vực .

Tuy vậy, diễn biến mới nhất là cả Azerbaijan và Armenia đều chấp nhận đề xuất đối thoại tại Moscow. Điều đó mở ra cơ hội giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh theo hướng ngoại giao và hòa bình./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại