Các lực lượng Armenia và Azerbaijan đã đụng độ ác liệt khi phía Azerbaijan "chiếm được những cứ điểm mới" và làm chết hơn 50 binh sĩ Armenia.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm 3-10 cho biết phía Armenia đã bị tổn thất nghiêm trọng về nhân lực và khí tài.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia cho hay các lực lượng của họ đã đẩy lùi một "cuộc tấn công quy mô lớn" của Azerbaijan tại một khu vực tiền tuyến. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia, bà Shushan Stepanyan, cho hay: "Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở các sườn khác". Thủ lĩnh phe ly khai Arayik Harutyunyan, nhấn mạnh, "trận chiến cuối cùng" đang diễn ra với các binh sĩ Azerbaijan.
Cả hai bên cáo buộc đối phương tấn công vào các khu vực dân sự. Lực lượng Azerbaijan hôm 3-10 cho rằng pháo binh Armenia đã bắn vào 19 khu định cư của họ trong đêm, khiến 19 dân thường thiệt mạng.
Theo hãng tin TASS, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo đã bắn hạ 3 máy bay của lực lượng Không quân Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các cuộc đụng độ. Tổng thống Azerbaijan nhấn mạnh Armenia phải chịu trách nhiệm về việc làm gián đoạn quá trình đàm phán và gây ra các cuộc đụng độ.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Al Jazeera, Tổng thống Aliyev đã chỉ trích Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), nhóm đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc tranh chấp. Ông Aliyev cho rằng một trong những lý do khiến cuộc giao tranh diễn ra như hiện nay là các bên hòa giải không kiên quyết hoặc gây áp lực để bắt đầu thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Chúng ta không còn thời gian để đợi thêm 30 năm nữa. Xung đột phải được giải quyết ngay bây giờ" – Tổn thống Aliyev nhấn mạnh.
Trong khi đó, Iran cảnh báo sẽ không dung thứ cho bất kỳ "sự xâm nhập" nào của lực lượng Armenia và Azerbaijan sau khi đạn cối bắn trúng các ngôi làng của Iran dọc biên giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh kêu gọi chấm dứt giao tranh giữa hai nước và cho biết Iran sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Các nước gồm Mỹ, Nga, Pháp và Đức cũng đã kêu gọi chấm dứt các cuộc đụng độ dọc biên giới. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Azerbaijan giành lại khu vực Nagorno-Karabakh, còn Pakistan, Ukraine, Hungary ủng hộ quyền tự vệ của Azerbaijan.