Xung đột Israel-Hamas: Điện đàm 1 giờ đồng hồ, Mỹ hối thúc Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng

Thi Anh |

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã có cuộc điện đàm "hiệu quả" kéo dài 1 giờ đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Mỹ hối thúc Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông.

Hiện đang công du Ả Rập Saudi, ông Blinken đã có cuộc điện đàm "hiệu quả" kéo dài 1 giờ đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết.

"Ông ấy [Blinken] cho rằng ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng là mối quan tâm chung của hai bên", ông Miller chia sẻ với báo giới, "Ông ấy nghĩ rằng sẽ có hiệu quả nếu Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình".

Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, Mỹ nên "đóng vai trò xây dựng và có trách nhiệm, thúc đẩy đưa vấn đề quay trở lại quỹ đạo để tiến tới một thỏa thuận chính trị sớm nhất có thể". Thông tin này được đăng tải trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

"Khi xử lý các vấn đề điểm nóng quốc tế, các quốc gia lớn phải giữ vững tính khách quan, công bằng, giữ bình tĩnh cũng như kiềm chế, và đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế", ông Vương Nghị nhấn mạnh trong thông cáo.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói thêm rằng, Bắc Kinh kêu gọi "tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự đồng thuận rộng rãi".

"Lối thoát cơ bản cho vấn đề Palestine nằm ở việc thực thi 'giải pháp hai nhà nước'", ông Vương Nghị nói.

Washington coi Trung Quốc là thách thức chính của mình trên trường quốc tế nhưng hai cường quốc đang nỗ lực để ổn định mối quan hệ. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã thực hiện chuyến công du hiếm hoi tới Bắc Kinh hồi tháng 6.

Ông Miller cho rằng Trung Đông là một ví dụ về những khu vực mà hai cường quốc có thể hợp tác cùng nhau.

Trung Quốc có mối quan hệ ra sao trong khu vực?

Jonathan Fulton, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, Trung Quốc vốn duy trì mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo Palestine.

Ông Mahmoud Abbas, Tổng thống Chính quyền Palestine ở Bờ Tây đã tới thăm Bắc Kinh 5 lần trong vòng gần 2 thập kỷ cầm quyền. Trong chuyến công du mới nhất hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Abbas đã tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược".

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ kinh tế với Israel trong những năm gần đây, đẩy mạnh đầu tư và thương mại trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cho tới cơ sở hạ tầng. Israel đã tham gia vào Sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh.

Ngoài ra, Trung Quốc vốn duy trì quan hệ nồng ấm với Iran, quốc gia được cho là có tầm ảnh hưởng với cả Hamas lẫn Hezbollah, nhóm phiến quân Li-băng hiện có khả năng sẽ mở ra mặt trận thứ hai để tấn công Israel.

Đối với tình trạng xung đột ở Trung Đông, Trung Quốc cũng đã có một số nỗ lực trước đó.

Đặc phái viên về Trung Đông của Trung Quốc, Zhai Jun, đã tiếp xúc với các quan chức từ cả Israel và Chính quyền Palestine, cũng như Liên đoàn Ả Rập và Liên minh Châu Âu trong năm ngoái để bàn thảo về giải pháp hai nhà nước và công nhận Palestine tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, các mối quan hệ lâu năm của Trung Quốc trong khu vực đã hạn chế các phương án mà nước này có thể theo đuổi, Reuters nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại