Xung đột có thể bùng phát thêm ở biên giới tranh chấp Trung - Ấn, vì sao?

Minh Thu |

Trung - Ấn có nguy cơ chứng kiến xung đột bùng phát thêm ở vùng biên giới tranh chấp, do hai nước liên tục có động thái củng cố phòng thủ.

Trung - Ấn rút quân khỏi hai bên bờ hồ Pangong Tso ở bang Ladakh. (Ảnh: PTI)

Trung - Ấn rút quân khỏi hai bên bờ hồ Pangong Tso ở bang Ladakh. (Ảnh: PTI)

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều khẳng định muốn giải quyết xung đột quân sự trên dãy núi Himalayas. Nhưng suốt 19 tháng qua kể từ lần đầu tiên căng thẳng bùng phát, Bắc Kinh và New Delhi dường như đang lún sâu hơn vào một cuộc đối đầu biên giới lâu dài.

Đây là câu hỏi mà nhiều nhà phân tích đang tìm hiểu, giữa lúc các cuộc đối thoại quân sự Trung - Ấn rơi vào bế tắc. Lần gần nhất vào tháng 10, vòng đàm phán lần thứ 13 nhằm hạ nhiệt căng thẳng biên giới Trung - Ấn đã kết thúc mà không đạt được bất cứ kết quả nào. Thậm chí, hai bên còn đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân khiến căng thẳng không thể hạ nhiệt.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi tiến trình ngoại giao đạt được kết quả, những hoạt động thực tế ở dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km trên dãy Himalaya, nơi được xem là biên giới chia cắt lãnh thổ Trung - Ấn, cũng sẽ khiến quá trình giải quyết xung đột biên giới trở nên khó khăn.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong cuộc họp trực tuyến với đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo về “sự thiếu lòng tin song phương” với quốc gia láng giềng Ấn Độ.

Tuy nhiên, cả hai quan chức Trung - Ấn đều nhấn mạnh muốn căng thẳng sớm được giải quyết.

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn bùng phát kể từ tháng 6/2020, sau vụ đụng độ khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng tại thung lũng Galwan.

Đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng trong vòng 50 năm qua. Vào năm 1962, Trung – Ấn từng xảy ra chiến tranh biên giới.

Sau đụng độ, quân đội Trung - Ấn đã điều động thêm hàng chục ngàn binh sĩ, cùng vũ khí hạng nặng tới gần khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp.

Ngoài ra, trong năm 2020, cả Trung - Ấn đều tăng cường hoạt động xây dựng đường xá, đồn bốt và đường băng quân sự ở gần biên giới căng thẳng.

Các nhà quan sát nhận định quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều cho tăng cường hoạt động hậu cần bằng được hàng không trong giai đoạn mùa đông chứng minh mức độ tăng cường quân sự suốt cả năm của hai bên. Từ đây, nguy cơ bùng phát xung đột giữa binh sĩ Trung - Ấn càng gia tăng.

Hôm 14/12, ông Eric Garcetti, tân đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, nói rằng quốc gia Nam Á nằm “sát quốc gia láng giềng cứng rắn”, nhưng không nhắc cụ thể tới Trung Quốc. Cũng theo ông Garcetti, ông “có ý định thúc đẩy những nỗ lực tăng cường năng lực cho Ấn Độ để bảo vệ các vùng biên giới, và ngăn chặn hành động xâm chiếm thông qua hoạt động hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố”.

Về phần mình, New Delhi cũng tin rằng quân đội Trung Quốc dường như sẽ không sớm cho di dời các lực lượng được bố trí dọc LAC.

Hồi tháng 10, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Đại tướng M M Naravane đã nhấn mạnh về “hoạt động tăng cường quy mô lớn” bên phía Trung Quốc và quá trình phát triển cơ sở hạ tầng cho thấy, “quân đội Trung Quốc vẫn sẽ ở lại”.

“Nếu họ vẫn ở đó, chúng ta cũng sẽ ở lại”, Tướng Naravane nói.

Hồi tháng 11, lục quân và không quân Ấn Độ đã cùng tiến hành cuộc tập trận mang tên “Operation Hercules” để thúc đẩy năng lực cung ứng hậu cần cho các binh sĩ hoạt đông ở phía bắc biên giới, đồng thời tăng cường tích trữ cho giai đoạn mùa đông tại các khu vực đóng quân.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng điều động một hệ thống phóng rocket tầm xa hiện đại tới dãy Himalayas, và cho xây dựng các hầm trú ẩn dưới lòng đất để bảo vệ binh sĩ cùng vũ khí.

Hồi tháng 11, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã đưa tin về phương thức quân đội Trung Quốc mở rộng cơ sở hạ tầng mùa đông, cũng như “đã giải quyết cơ bản” vấn đề hậu cần bằng cách “tận dụng thời gian vàng xây dựng cơ sở hạ tầng” trước giai đoạn mùa đông khắc nghiệt tới.

Vào đầu tháng này, chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện tăng cường, cùng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bao gồm xây dựng các tuyến đường hướng về phía LAC nối đường cao tốc G219, cũng như xây các tuyến đường gần một số điểm nóng xung đột như Finger 8 ở vùng Pangong Tso thuộc bang Ladakh.

“Sự tập trung liên tục của Ấn Độ và Trung Quốc nhằm tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng ở dọc LAC cho thấy trạng thái tranh chấp biên giới đang thay đổi”, ông Kyle Gardner thuộc Hiệp hội McLarty ở Washington nói.

"Sự hiện diện liên tục của các binh sĩ và tăng cường cơ sở hạ tầng của Trung - Ấn cũng sẽ khiến xung đột quy mô nhỏ có nguy cơ xảy ra hơn”, ông Gardner kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại