Hôm 31/5, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, kể từ sau vụ đụng độ kéo dài 2 tháng rưỡi trên cao nguyên tranh chấp Doklam vào năm 2017 với quân đội Ấn Độ, Trung Quốc đã cho mở rộng kho vũ khí với sự ra đời của xe tăng Type 15, trực thăng Z-20 và máy bay không người lái (UAV) GJ-2.
Theo nhận định của giới chuyên gia Trung Quốc, đây là những vũ khí giúp quân đội Trung Quốc chiếm ưu thế, nếu không may xảy ra các cuộc xung đột tại những vùng biên giới nằm ở cao độ lớn như cao nguyên Tây Tạng.
Trong đó, xe tăng Type 15 được Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt công chúng nhân lễ diễu binh mừng Quốc khánh vào ngày 1/10/2019.
Với động cơ lớn, xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nhẹ Type 15 có thể hoạt động hiệu quả trên các vùng cao nguyên, khu vực vốn gây khó cho các tăng hạng nặng. Bên cạnh đó, Type 15 còn được trang bị các hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại và pháo nòng xoắn cỡ 105 mm.
Type 15 có vận tốc tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 400 km. Trọng lượng của Type 15 nhẹ hơn so với các loại xe tăng chiến đấu chủ lực đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc khi chỉ nặng khoảng 32 - 35 tấn, so với Type 99 nặng từ 54 - 58 tấn. Type 15 có thể leo được dốc 60 độ, vượt vật cản 0,8m, hào rộng 2,5m và lội nước sâu 1 m.
Cũng trong lễ diễu binh mừng Quốc khánh vào năm 2019, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho trình làng pháo tự hành gắn trên xe hiện đại nhất của nước này là PCL-181.
Pháo tự hành PLC-181 là loại pháo cỡ nòng 155mm, trọng lượng 25 tấn được Trung Quốc thiết kế để đặt trên khung gầm xe tải 6x6.
Kíp chiến đấu trong khoang lái pháo tự hành PLC-181 gồm 6 người. Toàn bộ đạn dự trữ của xe được đặt bên ngoài cabin, cách biệt hoàn toàn với kíp lái để hạn chế thiệt hại về người trong trường hợp đạn dự trữ trên xe phát nổ.
Đáng nói, trong bản tin được CCTV công bố về cuộc tập trận hồi tháng Một của quân đội Trung Quốc, cả xe tăng Type 15 và pháo tự hành PCL-181 đều xuất hiện trong khu vực cao nguyên thuộc khu tự trị Tây Tạng, phía tây nam Trung Quốc.
Một hệ thống vũ khí mới phục vụ cuộc chiến trên vùng cao nguyên còn có hệ thống phóng rocket đa nòng đặt trên khung gầm xe việt dã 8x8 và mang theo 8 rocket 370 mm. Hệ thống rocket đa nòng này cũng đã xuất hiện trong lễ diễu binh vào năm ngoái tại Trung Quốc.
Còn trên không, Trung Quốc cho ra mắt trực thăng Z-20. Trực thăng hạng trung này có thể hoạt động trên mọi địa hình và thời tiết, cũng như thực hiện nhiều sứ mệnh từ chở quân, hàng hóa cho tới tìm kiếm, cứu nạn và trinh sát.
Đáng nói, các trực thăng Z-20 có thể hoạt động ở những khu vực có độ cao lớn, không khí loãng như vùng Tây Tạng, theo chia sẻ của ông Chen Guang, một quan chức ở Avicopter, chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.
Ngoài Z-20, Trung Quốc còn có một bản cải tiến là trực thăng vận tải cỡ lớn Z-8G từng ra mắt công chúng ở Triển lãm Trực thăng Trung Quốc lần thứ 5 diễn ra ở thành phố Thiên Tân hồi tháng 10/2019.
Tập trung hoạt động trên các vùng cao nguyên, Z-8G hiện là trực thăng đầu tiên tại Trung Quốc có thể cất cánh ở độ cao 4.500 m so với mực nước biển và trần bay là hơn 6.000 m.
Còn tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2018, không quân Trung Quốc đã cho trình làng máy bay trinh sát vũ trang GJ-2. GJ-2 có trần bay lớn hơn và chở số lượng hàng hóa nhiều hơn so với tiền nhiệm GJ-1. Nhiều báo cáo cho biết, GJ-2 có thể thực hiện sứ mệnh tuần tra tại các đường biên giới dài và nằm ở độ cao lớn như Tây Tạng.
Đụng độ như cơm bữa
Giới phân tích Trung Quốc nhận định, mục đích phát triển những vũ khí chuyên biệt như trên là nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc ở những vùng có độ cao lớn để đảm bảo an ninh chủ quyền và sự hợp nhất lãnh thổ.
Trong khi đó, những vụ đụng độ ở khu vực biên giới giữa Trung - Ấn xảy ra như cơm bữa. Gần đây nhất, hàng trăm binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia một cuộc đối đầu tập trung ở vùng Ladakh của Ấn Độ hôm 9/5. Hậu quả hàng chục binh sĩ Trung - Ấn bị thương khi lao vào đấm đá nhau và ném đá ở bang Sikkim. Cho tới hiện tại, nhiều binh sĩ Ấn Độ vẫn đang phải nằm viện điều trị.
Truyền thông Ấn Độ cho hay, Trung Quốc gần đây đã triển khai thêm 5.000 binh sĩ tới khu vực biên giới giáp Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung - Ấn đã bắt đầu tiến hành các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột biên giới giữa hai nước.
Hôm 29/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang nhấn mạnh, các binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Trung Quốc quyết bảo vệ nền hòa bình và ổn định ở vùng biên. Theo ông Ren, nói chung, tình hình ở dọc biên giới Trung - Ấn là ổn định và nằm trong tầm kiểm soát.
Trước đó, vào ngày 27/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung - Ấn có thể giải quyết tranh chấp chủ quyền biên giới thông qua đối thoại và đàm phán.
Tiếp đó, hôm 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Aaj Tak rằng, Ấn Độ sẽ không để “thể diện bị tổn thương” trong vụ xung đột mới nhất với Trung Quốc ở vùng biên giới, đồng thời quyết tâm giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại song phương.
Cũng theo ông Singh, Ấn Độ đã từ chối lời đề nghị từ Tổng thống Donald Trump về việc để Mỹ làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Trung - Ấn.
Gần đây, theo Sputnik, một đoạn video dài 2 phút được đăng tải trên Twitter được cho ghi lại cảnh các binh sĩ Ấn Độ tấn công nhóm binh sĩ Trung Quốc bằng gậy và các vật dụng khác gần hồ Pangong ở vùng Ladakh hôm 5/5. Vụ đối đầu này khiến 7 binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng và phải vào viện điều trị.