Xung đột Azerbaijan - Armenia: Nghệ thuật tác chiến UAV đạt đến đỉnh cao
Qua các cuộc xung đột gần đây, vai trò của máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường ngày càng thể hiện rõ nét. Người tiên phong sử dụng UAV một cách ồ ạt chính là Thổ Nhĩ Kỳ và họ đã đạt được những thành công nhất định.
Tại Syria, bầy UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây rất nhiều tổn thất cho Quân đội Syria. Chỉ đến khi tên lửa Buk-M2 "vào cuộc", phối hợp cùng chủ công Pantsir-S1 đánh những trận mang tính hủy diệt lớn thì các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad mới lật ngược được thế cờ, giành lại bầu trời.
Tại Libya, bầy UAV (cũng của Thổ Nhĩ Kỳ) đã khiến lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar chỉ huy phải trả giá rất đắt.
Những cơn mưa bom, tên lửa từ trên không làm cho LNA "tối tăm mặt mũi", phải rút chạy ở nhiều nơi, để mất nhiều địa bàn chiến lược.
Mới đây nhất, trong cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia, một lần nữa "bầy UAV" (do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel chế tạo) trong biên chế Quân đội Azerbaijan lại làm nên chuyện lớn khi liên tục xuất kích với quy mô ồ ạt, gây thiệt hại đáng kể cho các lực lượng Armenia tại Nagorno – Karabakh.
Có thể thấy, ở chiến trường mới này, nghệ thuật tác chiến theo kiểu "bầy UAV" đã đạt tới một đỉnh cao mới. Các máy bay không người lái của Azerbaijan gần như làm chủ bầu trời khi tiến hành trinh sát 24/24h, chỉ thị mục tiêu cho các máy bay không người lái tấn công (UCAV) và máy bay không người lái cảm tử tấn công chính xác.
Những video clip do Quân đội Azerbaijan công bố cho thấy "cuộc đi săn" của bầy UAV khá thành công, nhiều cụm xe tăng, xe thiết giáp, bộ binh, pháo binh của Armenia bị đánh trúng, tổn thất rất lớn.
UAV Quân đội Azerbaijan hoạt động hiệu quả
Tên lửa S-300 lập kỳ tích lịch sử
Sở dĩ "bầy UAV" của Azerbaijan làm mưa làm gió là do phòng không của Armenia, khá thiện chiến, nhưng không thể giữ sạch được bầu trời.
Các loại tên lửa phòng không tầm thấp của Armenia hầu hết đều đã cũ như OSA, Strela-10 và tên lửa phòng không vác vai Strela/Igla, tính năng đánh chặn UAV khá hạn chế, dù rất cố gắng và thực tế là đã bắn hạ được khá nhiều mục tiêu nhưng như thế là không đủ để hạn chế mật độ UAV dày đặc của đối phương.
Không làm chủ được bầu trời thì thiệt hại là tất yếu, các loại UAV của Azerbaijan đã thể hiện được sức mạnh, độ chính xác trong mỗi cú ra đòn.
Nhiều xe thiết giáp, khẩu đội pháo xe kéo, xe bệ phóng pháo phản lực và thậm chí là cả các tổ hợp phòng không của Armenia bị UAV phá hủy.
Tên lửa S-300 của phòng không Armenia.
Trong khi đó nhiều xe tăng cũng bị bắn trúng tuy nhiên dường như uy lực của các loại đạn phóng đi từ UAV chưa đủ mạnh để phá hủy hoàn toàn, chúng có bị hư hại nhưng có thể khôi phục lại được sau khi sửa chữa.
Khả năng phòng không có hạn, Armenia đã buộc phải tung con bài chiến lược là tên lửa S-300 xung trận.
Thật thú vị khi lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, tên lửa S-300 đã lập công lớn. Cụ thể, theo Avia.Pro, hệ thống phòng không tầm xa S-300PT của Armenia đã khia hỏa, đánh chặn thành công một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào thủ đô Yerevan hôm 1/10.
Cũng theo nguồn tin của Avia.Pro, hai tên lửa đạn đạo chiến thuật bay về phía Yerevan bị S-300PT bắn hạ gần ở thành phố Abovyan, cách thủ đô Armenia chỉ hơn 10km.
Như vậy, tên lửa S-300 xứng danh "lá chắn thép" khi ra quân là đánh thắng ngay trận đầu.
Nhưng mối lo còn đó, phòng không Armenia chưa có các tổ hợp tên lửa "sát thủ của UAV" như Pantsir-S1, Tor-M2 hay Buk-M2 và số lượng đạn tên lửa đã tiêu hao khá lớn, nếu không có nguồn bổ sung khẩn cấp, chắc chắn trong thời gian tới họ sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn với bầy UAV của Azerbaijan.