Ít nhất 7 người thiệt mạng và 33 người bị thương trong các cuộc pháo kích của Armenia nhằm vào Ganja, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan, Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định hôm 11-10.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan còn cáo buộc Armenia tiến hành một đợt tấn công rocket không thành công nhằm vào một nhà máy thủy điện Azerbaijan ở TP Mingachevir. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia cho rằng tuyên bố trên là "một lời nói dối trắng trợn", đồng thời cáo buộc Azerbaijan tiếp tục pháo kích các khu vực đông dân ở Nagorno-Karabakh, trong đó có Stepanakert - thành phố lớn nhất khu vực.
Những động thái trên diễn ra chưa đầy 24 giờ kể từ khi lệnh ngừng bắn do Nga xúc tiến ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh được chấp thuận. Vùng lãnh thổ này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng có phần đông dân cư là người Armenia. Lệnh ngừng bắn trên, có hiệu lực từ 12 giờ ngày 10-10 sau khi nhận được sự chấp thuận của Armenia và Azerbaijan, ra đời nhằm chấm dứt xung đột, cho phép các lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh và các lực lượng Azerbaijan trao đổi tù nhân cũng như thi thể binh sĩ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ chết yểu khi Azerbaijan và Armenia cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, tiến hành các tội ác nghiêm trọng nhằm vào dân thường. Theo ông Arayik Haratyunyan, lãnh đạo các lực lượng dân tộc thiểu số Armenia ở Nagorno-Karabakh, tình hình chiến sự tiền tuyến vẫn đang căng thẳng. Ông cáo buộc các lực lượng Azerbaijan nỗ lực kiểm soát thị trấn Hadrut nhưng bất thành và nói rằng lẽ ra 2 phía đã trao đổi tù nhân vào ngày 11-10 nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu quá trình này có bao giờ xảy ra hay không và nếu có, sẽ diễn ra khi nào.
Các cuộc đàm phán do Nga xúc tiến nêu trên là lần đầu tiên Armenia và Azerbaijan liên lạc ngoại giao kể từ khi đụng độ nổ ra ở Nagorno-Karabakh vào ngày 27-9 khiến hàng trăm người thiệt mạng. Đây là đợt xung đột đẫm máu nhất kể từ khi cuộc chiến 1991-1994 giết chết khoảng 30.000 người.
Theo báo The Guardian, mọi hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn ở Nagorno-Karabakh dường như đã bị dập tắt sau những diễn biến hôm 11-10. Sự đối đầu và lòng thù hận hiện tăng cao đến mức những ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình công bằng giữa 2 phía gần như không thể tương thích. Mọi động thái leo thang căng thẳng đều có thể khiến lửa xung đột lan rộng, dẫn đến một cuộc chiến toàn diện kéo theo sự tham gia của các cường quốc trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Azerbaijan và Nga - quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia.
Các cuộc giao tranh mới cũng đã làm gia tăng lo ngại về số phận của hệ thống ống dẫn dầu khí Azerbaijan đến thị trường châu Âu. Moscow vốn đang phải đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya trong bối cảnh Ankara tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Một mặt trận đối đầu thứ ba ở Caucasus có thể khiến Moscow và Ankara bất lực trong việc duy trì tình bạn đang rạn nứt. Trong khi đó, Iran - quốc gia có chung đường biên giới với Armenia lẫn Azerbaijan - cũng đang theo dõi tình hình sát sao.
Tổng thống Azerbaijan: Sẽ có thêm xung đột
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố với hãng tin RBC (Nga) rằng 2 phía đang tìm cách để đạt được một thỏa thuận chính trị nhưng sẽ có thêm xung đột. "Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để nhận những gì vốn thuộc về chúng tôi" - nhà lãnh đạo 58 tuổi nhấn mạnh.
Trong khi Bộ Ngoại giao Armenia cho biết đang sử dụng mọi kênh ngoại giao để hỗ trợ thỏa thuận ngừng bắn, Cơ quan Ngoại giao của Nagorno-Karabakh cáo buộc Azerbaijan sử dụng các cuộc đàm phán làm vỏ bọc để chuẩn bị tiến hành thêm các cuộc tấn công.
Theo Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) Dmitri Trenin, Nga sẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình bởi vấn đề quan trọng nhất là an ninh biên giới... và vai trò gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Điều này có nghĩa Nga không thể để chiến tranh bùng nổ.