Xung đột Armenia-Azerbaijan: Đòn trả đũa của TT Erdogan dành cho những gì Nga làm ở Syria?

Vy Lam |

Xung đột kéo dài có thể sẽ khiến Nga bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm khác với Thổ, nhưng mặt trận không phải ở Syria, mà là vùng Caucasus ở biên giới phía nam của Nga.

Trong bài viết trên tờ Islam Times, nhà báo Finian Cunningham - người từng giành giải thưởng danh giá Serena Shim trong ngành báo chí vào năm 2019 - nhận định rằng, những hành động từ phía Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia tại Nagorno-Karabakh đều được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, và đây là sự can thiệp đã được lên kế hoạch từ lâu.

Kế hoạch gây hấn được lên kế hoạch từ lâu?

Cụ thể, theo ông Cunningham, vai trò "lớn quá mức cần thiết" của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thúc đẩy xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đang ngày càng trở nên rõ ràng. Đó là lý do tại sao thỏa thuận hòa bình khó lòng được thi hành và xung đột có thể bùng nổ rộng hơn thành một cuộc chiến tranh kéo dài trong khu vực.

Cuộc chiến tranh này có thể kéo Moscow vào một cuộc giao tranh ở Caucasus ngay tại rìa phía nam của Nga nhằm chống lại các lực lượng ủy nhiệm của NATO.

Trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đã ủng hộ các nỗ lực của Moscow nhằm dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.

Tuy nhiên, theo nhà báo Cunningham, ông Erdogan dường như đã đưa ra một "tối hậu thư" cho người đồng cấp Nga khi đề cập rằng cần có "giải pháp lâu dài" cho cuộc tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hàng thập kỷ qua.

Trước đó, ông Erdogan và đồng minh Azerbaijan đã tuyên bố rõ rằng, giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được đối với họ là quân ly khai Armenia từ bỏ yêu sách đối với Nagorno-Karabakh.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Đòn trả đũa của TT Erdogan dành cho những gì Nga làm ở Syria? - Ảnh 1.

Giao tranh giữa các lực lượng Armenia-Azerbaijan vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Nguồn: Tellereport)

Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan từ lâu đã gọi khu vực do người Armenia nắm giữ là khu vực chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ của Azerbaijan kể từ khi chiến tranh biên giới kết thúc vào năm 1944.

Khi cuộc xung đột bùng phát trở lại vào ngày 27/9, các báo cáo ban đầu cho thấy các cuộc đụng độ có tính chất hỗn loạn và cả hai bên đều thay phiên đổ lỗi cho nhau châm ngòi bạo lực.

Song, ông Cunningham cho rằng, các hành động do phía Azerbaijan tiến hành dường như là một hành động gây hấn có kế hoạch với sự ủng hộ toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nhà báo, có 3 lý do khiến ông đi đến nhận định này.

Thứ nhất, sau cuộc đụng độ chết người giữa Armenia và Azerbaijan vào ngày 12-13/7 khiến khoảng chục người thương vong, một cuộc tập trận lớn đã được tổ chức ở Azerbaijan với sự tham gia của 11.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/7. Trong gần 2 tuần của tháng 8, lực lượng diễn tập đã triển khai pháo binh, máy bay chiến đấu và các đơn vị phòng không.

Ngoài ra, một số báo cáo cho biết lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả các chiến đấu cơ F-16, vẫn ở lại Azerbaijan sau khi cuộc tập trận kết thúc.

Thứ hai, bên cạnh các cuộc tập trận, hoạt động bán vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Azerbaijan cũng gia tăng đáng kể.

Theo số liệu xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, các hợp đồng xuất khẩu vũ khí sang Azerbaijan đã tăng 6 lần so với năm trước, với phần lớn hoạt động cung cấp được thực hiện trong quý 3 năm 2020 [từ tháng 7 đến tháng 9]. Các loại vũ khí được cung cấp bao gồm máy bay không người lái và hệ thống phóng rocket.

Yếu tố thứ ba cần nói tới là việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa lính đánh thuê từ Syria và Libya tới tham chiến cho Azerbaijan. Hàng nghìn chiến binh thuộc các lữ đoàn thánh chiến dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thủ đô Baku của Azerbaijan trước khi xung đột nổ ra vào ngày 27/9. Công tác hậu cần liên quan tới đợt triển khai quy mô lớn như vậy cần có thời gian chuẩn bị lâu dài.

Các nguồn tin từ Armenia cũng cho biết thêm rằng, chính quyền Azerbaijan đã bắt đầu cấm xe dân sự vài tuần trước khi cuộc chiến nổ ra. Cũng theo những nguồn tin này, khi súng nổ vào ngày 27/9, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ngay để đưa tin trực tiếp về sự kiện.

"Đòn trả đũa" dành cho Nga?

Nhà báo Cunningham nhận định, dường như Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã đưa ra quyết định chiến lược để thực hiện "giải pháp cuối cùng" cho tranh chấp với Armenia tại Nagorno-Karabakh.

Đó là điều khiến những nỗ lực của Nga trong việc làm trung gian chấm dứt các hành động thù địch càng trở nên căng thẳng hơn. Thỏa thuận ngừng bắn đã được thiết lập vào ngày 10/10 nhưng chỉ sau vài giờ, các báo cáo cho biết hai phía đã tiếp tục trao đổi hỏa lực và pháo kích vào các thành phố của đối phương.

Theo ông Cunningham, thách thức đối với Nga là nước này có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ Armenia như một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (1992).

Do đó, trong bối cảnh Armenia tiếp tục bị tấn công, Moscow sẽ đứng trước áp lực phải can thiệp quân sự.

Việc này sẽ khiến Nga bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm khác với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng mặt trận không phải ở Syria, mà là vùng Caucasus ở biên giới phía nam của Nga.

Các quan chức quân sự cấp cao của Nga lo ngại rằng kịch bản đó chính là điều mà Tổng thống Erdogan đang hướng tới. Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Nga áp đảo trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria. Kế hoạch của Tổng thống Erdogan và NATO nhằm thay đổi chế độ ở Damascus đã bất thành bởi sự can thiệp của Nga.

Nhà báo Cunningham cho rằng, dường như cuộc xung đột ở Caucasus hiện nay là sự trả đũa của ông Erdogan. Do đó, Moscow có thể cần phải nghiêm túc xem xét lại quan hệ của mình với Ankara và cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng ông ta đang đi trên "lằn ranh đỏ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại