Theo sử sách ghi lại, Càn Long Đế là một ông vua phong lưu háo sắc, có tới hơn 40 người vợ chưa kể đến hàng trăm vị Đáp ứng, Thường tại khác, thậm chí có những người ngồi chờ héo mòn cả tuổi xuân vẫn chưa được diện kiến Càn Long lấy một lần.
Thế nhưng, trong chốn thâm cung tàn khốc với đầy sự ganh ghét, âm mưu tàn độc, phi tần nào là người sống bên Càn Long Đế được lâu nhất?
Có thể nhiều người cho rằng, đó là chính Lệnh Ý Hoàng quý phi, được Càn Long Đế thập phần sủng ái hay chính là Du Phi, người được cho là kín tiếng nhất hậu cung, sống bên cạnh Càn Long Đế tới 62 năm.
Tuy nhiên, tất cả đều không phải, Uyển Quý phi mới là vị phi tần sống bên cạnh Càn Long Đế lâu nhất.
Không chỉ vậy, bà còn là phi tần sống thọ nhất của Càn Long khi qua đời ở tuổi 92, mất sau khi Càn Long qua đời 8 năm. Vậy Uyển Quý phi là ai?
Nhân vật Uyển Tần trong phim Hậu cung Như Ý truyện.
Dù bộ phim Diên Hi công lược có vắng bóng nhân vật Uyển nương nương nhưng đến Hậu cung Như Ý truyện, đây lại là nhân vật được người dân Nhật Bản yêu thích nhất dù đó chỉ là một vai phụ nhỏ, ít khi được xuất hiện.
Thậm chí, báo chí Nhật Bản còn nói rằng: “Cô ấy chính là thê tử người Trung Quốc hoàn mỹ, tuyệt vời nhất trong mắt người dân Nhật Bản”.
Trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, Uyển nương nương lúc này mới chỉ được nhắc tới tước vị Tần. Uyển Tần được khắc họa trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện là một người ôn nhu, hiền lành, ít nói, không ganh đua với đời nhưng sâu thẳm trong nội tâm lại vô cùng khát khao được Hoàng đế chú ý tới.
Uyển Tần là một người ôn nhu, hiền lành, yêu cái thiện, ghét cái ác.
Uyển Tần là một người phụ nữ cầm kỳ thi họa và đặc biệt là tài vẽ của cô khiến ai cũng đều ca tụng.
Mỗi ngày, Uyển Tần chỉ bầu bạn với giấy mực, vẽ chân dung của Càn Long Đế, thậm chí những nét vẽ còn chân thực tới từng chân tơ kẽ tóc.
Trong căn phòng nhỏ lạnh lẽo của cô chất đầy những bức vẽ của Hoàng đế Càn Long, nhưng dù vậy, Càn Long vẫn ít khi lui tới gặp Uyển Tần.
Uyển Tần tuy ít bạn bè nhưng tình cảm với Hoàng hậu Như Ý rất tốt, là người yêu cái thiện ghét cái ác.
Sau này khi Như Ý chết, Uyển Tần chuyển qua kết giao với Du Phi Hải Lan, cùng bày mưu lật đổ Lệnh Quý phi Vệ Yến Uyển.
Uyển Tần trong Hậu cung Như Ý truyện quả thực là một người phụ nữ ôn nhu nhưng trong lịch sử, bà là người như thế nào?
Uyển Tần họ Trần (1717 - 1807), cha là Trần Đình Chương, gia thế không có gì nổi bật. Bà nhập phủ làm thiếp của Càn Long Đế từ khi ông còn là Bảo Thân Vương với tước vị Cách cách.
Chân dung của Uyển Phi trong lịch sử.
Khi Càn Long Đế tức vị, Trần thị được phong làm Thường tại, tước vị thấp nhất trong số các phi tần đã theo hầu Càn Long Đế từ Tiềm để.
Năm Càn Long thứ 2 (1737), khi chính thức đại phong hậu phi, Trần Thường tại thăng làm Quý nhân.
Năm thứ 13 (1748), Trần Quý nhân được tấn thăng làm Uyển Tần và bà đã tại vị Tần trong suốt 40 năm. Tới năm Càn Long thứ 59 (1794), Uyển Tần được tấn thăng làm Uyển Phi.
Uyển Phi được coi là người phụ nữ bi thảm nhất nhưng cũng là vị phi tần may mắn nhất trong chốn hậu cung của Càn Long.
Bi thảm nhất là do bà tuy là một trong những vị phi tần hầu hạ Càn Long sớm nhất nhưng không được Hoàng đế sủng ái, ngó ngàng tới, sống cuộc sống buồn tẻ qua ngày.
Cũng vì đó mà đến cuối đời, Uyển Phi cũng không có lấy một mụn con để làm chỗ dựa.
Thế nhưng, điều may mắn nhất của bà là vì đức tính không ganh đua với đời, bình bình lặng lặng mà sống nên bà không có mấy kẻ thù, ít bị người khác ganh ghét mà bày mưu hãm hại.
Chính vì lẽ đó mà đã sống thọ tới 92 tuổi, trở thành vị phi tần sống thọ nhất của Càn Long Đế.
Uyển Phi sống thọ tới 92 tuổi, trở thành người phi tần sống thọ nhất trong dàn hậu phi của Càn Long Đế.
Thậm chí, tuổi thọ của vị Uyển Phi này còn dài hơn so với Càn Long. Sau khi Càn Long qua đời vào năm 1799, Uyển Phi được Gia Khánh Đế tấn thăng làm Quý phi năm 1794, tôn gọi là Uyển Quý Thái phi.
Gia Khánh Đế đối với bà cũng rất kính trọng, tôn gọi là Uyển Quý thái phi Mẫu phi.
Khi bà qua đời năm 1807, bà thậm chí còn được đích thân Gia Khánh Đế tới tế rượu. Cũng cùng năm đó, bà được an táng tại Dụ lăng, Phi viên tẩm, kết thúc một đời bình lặng trong cung cấm.