Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%).
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Tính đến 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 620 tỷ USD. Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng số của năm 2021, đồng thời xuất siêu ghi nhận gần 8 tỷ USD, với 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).
Một số mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu phải kể đến như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.
Để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, có hai nguyên nhân cơ bản đó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19; xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, Việt Nam hiện có một hệ thống doanh nghiệp gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, Việt Nam đã mở cửa đúng lúc.