Nhưng những người lưu giữ nghệ thuật cổ xưa này nói rằng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc được sản xuất theo phương thức hiện đại đã khiến ngành dệt may truyền thống của Nigeria gần như tuyệt chủng.
Lò nhuộm Kofar Mata ở Kano là nơi sản xuất các sản phẩm dệt nhuộm thủ công cuối cùng còn sót lại ở Nigeria.
Nghệ nhân dệt may Mamood Abubakar thường sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên để làm các loại vải truyền thống. Ông đã làm công việc này trong 70 năm qua để kiếm sống và duy trì truyền thống, nhưng giờ đây, ông lại lo lắng về tương lai của nghề này.
"Nơi này đã tồn tại hơn 500 năm. Người Ả Rập, người da trắng và người dân từ khắp châu Phi đã đến đây vì quy mô của ngành công nghiệp này không hề nhỏ. Chúng tôi kỳ vọng giới trẻ quan tâm đến truyền thống và sẵn sàng thay thế khi chúng tôi rời đi", ông nói.
Dệt may truyền thống của Nigeria đang bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu TQ
Không xa lò nhuộm Kofar Mata là Chợ dệt Kantin Kwari, lớn nhất ở Nigeria.
Ismaila Abdullahi, một nhà thiết kế tại chợ, cho biết các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đang đe dọa hoạt động kinh doanh của mặt hàng dệt may truyền thống địa phương.
Anh nói: "Tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được trong ngành công nghiệp này là giờ đây chúng tôi có những nhà thiết kế đồ họa của riêng mình, những người có thể vẽ thiết kế, sau đó gửi chúng đến Trung Quốc để họ sản xuất sản phẩm và gửi lại cho chúng tôi".
Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Nigeria nhận định rằng, sự sụt giảm hàng dệt may sản xuất trong nước là do hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Họ cáo buộc hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc thường nhập lậu.
Hamma Kwajaffa, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Nigeria, nói: "Họ sử dụng thiết kế của chúng tôi, mang đến Trung Quốc để sản xuất và sau đó bán với giá rẻ. Họ chỉ bán 1.000 naira (khoảng 2,6 USD) cho loại (vải) 5 feet này. Trong khi, giá sản xuất từ nhà máy chúng tôi không được thấp hơn 3.000 naira. Bởi vì những kẻ buôn lậu này không thuê nhân công, không trả thuế và không tốn thêm bất kỳ chi phí nào, nên họ có thể bán giá thấp".
Vào tháng 10 vầ qua, Ngân hàng Trung ương Nigeria cho biết, trong những năm gần đây, họ đã cung cấp cho các nhà sản xuất bông khoản vay hơn 300 triệu USD, để hỗ trợ ngành dệt may trong nước. Ngành dệt may của Nigeria từng lớn nhất Châu Phi.
Năm 2017, Phó Tổng thống Nigeria Yemi Osinbajo, thay mặt Tổng thống, đã ra lệnh cho chính phủ ưu tiên các sản phẩm sản xuất tại Nigeria khi mua sắm đồng phục và giày dép thay vì các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nhân Dệt may ở Nigeria cho rằng, chính sách này cần được mở rộng.
John Adaji, Chủ tịch Hiệp hội Công nhân Dệt may Nigeria, cho biết: "Nam Phi có chính sách dệt may rất đơn giản, 'mua của Nam Phi và mặc của Nam Phi'. Họ có các đội thu thuế để thực hiện chính sách này. Do đó chính phủ cần tạo nền tảng hoạt động cho doanh nghiệp trong nước".
Nghệ nhân Abu Bakar nói, nếu chính phủ muốn những mặt hàng dệt may truyền thống của Nigeria này tồn tại, họ nên mua hàng dệt thủ công của người dân và xuất khẩu ra thế giới.