Trong tháng 11/2020, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất tính từ đầu năm 2018, thặng dư thương mại lên mức cao kỷ lục.
Điều đó cho thấy nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm liên quan đến đại dịch Covid-19 đang hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi.
Các công ty Trung Quốc bán được 268 tỷ USD hàng hóa trong tháng 11/2020, mức cao nhất tính theo tháng và cao hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nhập khẩu giảm nhiệt còn 4,5%, thặng dư thương mại ước tính 75,4 tỷ USD, ngưỡng cao nhất tính từ năm 1990.
Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Commerzbank AG tại Singapore, ông Zhou Hao, nhận xét: "Xuất khẩu tăng trưởng nhảy vọt là một trong những yếu tố gây ngạc nhiên nhất năm nay của Trung Quốc". Kinh tế Trung Quốc hưởng lợi khi các biện pháp kiềm chế đại dịch phát huy tác dụng và số lượng các đơn đặt hàng dịp Giáng sinh tăng lên.
Hưởng lợi nhờ các yếu tố mùa vụ, các con số công bố mới nhất cho thấy đại dịch đã giúp cho thế mạnh trong sản xuất của Trung Quốc được phát huy, người tiêu dùng trên khắp thế giới giảm chi tiêu vào các ngành dịch vụ do tình trạng phong tỏa bởi đại dịch Covid-19.
Kết hợp với việc tiêu dùng và đầu tư nội địa Trung Quốc phục hồi, xuất khẩu phục hồi cũng cho thấy kinh tế tăng trưởng ổn định trong tháng 11/2020.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Groep NV tại Hồng Kông, ông Iris Pang, phân tích: "Các nhà nhập khẩu trên khắp thế giới lo ngại có thể họ sẽ đối diện với tình trạng phong tỏa trong dịp Giáng sinh và Lễ Tạ ơn, chính vì vậy họ đề nghị nhập hàng gấp từ các nhà máy của Trung Quốc".
Trước khi tình trạng dịch Covid-19 tại Mỹ và châu Âu căng thẳng, nhu cầu hàng hóa đã tăng lên. Diễn biến mới nhất của dịch Covid-19 tại Mỹ và châu Âu sẽ có thể khiến cho nhu cầu đối với các sản phẩm bảo vệ cơ thể và làm việc từ xa tăng cao.
Xuất khẩu các thiết bị y tế trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay tăng 42,5% tính theo giá trị đồng USD, trong khi đó xuất khẩu các thiết bị điện tử trong tháng 11/2020 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng Pháp Societe Generale SA ở Hồng Kông, bà Michelle Lam, nhận xét: "Nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến đại dịch và sản phẩm điện tử không chịu ảnh hưởng bởi quy định giãn cách xã hội mới. Các quy định này ảnh hưởng đến ngành dịch vụ nhiều hơn thương mại".
Thặng dư thương mại tăng cao sẽ gây ra thêm áp lực tăng giá với đồng nhân dân tệ, tính từ đầu năm 2020 đến nay, đồng nhân dân tệ đã tăng giá hơn 6% so với đồng USD. Đồng nhân dân tệ là một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất tại châu Á trong năm nay.
Trước đó, Bắc Kinh đã chịu nhiều chỉ trích từ phía Mỹ và châu Âu bởi can thiệp mạnh tay nhằm hạ giá đồng nhân dân tệ.
Cựu chuyên gia kinh tế phụ trách Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới (WB) tại quỹ Carnegie Endowment, ông Yukon Huang, chỉ ra: "Sự thật rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc đang gia tăng đang khiến cho mọi người không vui. Trung Quốc cũng không muốn chỉ dựa vào đó nên đang sẵn sàng để cho đồng nhân dân tệ tăng giá".
Xu thế thương mại thế giới thay đổi do đại dịch Covid-19, thặng dư thương mại mà Trung Quốc có được với Mỹ đạt mức kỷ lục 37,4 tỷ USD trong tháng 11/2020 bất chấp cam kết của Bắc Kinh về việc sẽ tăng mua hàng hóa từ Mỹ theo điều kiện của thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai bên đã ký kết.