Xuất khẩu tôm sẽ giảm tốc nửa cuối năm, mục tiêu 10 tỷ USD của ngành thủy sản có lung lay?

Nguyễn Huyền |

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm chiếm đến 42%. Nửa cuối năm xuất khẩu tôm dự báo sẽ giảm tốc...

Nửa cuối năm 2022, xuất khẩu tôm nằm trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu trong nước hạn chế, lạm phát tăng cao tại các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ chững lại làm ảnh hưởng mục tiêu xuất khẩu.

Đã có tăng trưởng âm, một phần bởi lạm phát

Bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia thị trường ngành hàng tôm VASEP.PRO cho biết, tháng 6 là tháng đầu tiên trong năm nay xuất khẩu tôm tăng trưởng âm, đạt gần 416 triệu USD và giảm 1% sau 5 tháng liên tục tăng trưởng 2 con số. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm sẽ giảm tốc nửa cuối năm, mục tiêu 10 tỷ USD của ngành thủy sản có lung lay? - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,3 tỷ USD

Top 4 thị trường của tôm Việt Nam gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU

Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng tốt từ đầu năm tới tháng 5, qua tháng 6 bắt đầu giảm mạnh 36% so với cùng kỳ và chỉ đạt trên 93 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 483 triệu USD, tăng 10%.

"Lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân Mỹ, khiến họ chi tiêu tiết kiệm hơn, và tôm được coi là thực phẩm cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ có phần chững. Bên cạnh đó, nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tồn kho còn nhiều.

Những ách tắc về hậu cần và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt hơn ở thị trường này", Chuyên gia thị trường ngành hàng tôm phân tích.

Tháng 5/2022, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 75.484 tấn, trị giá gần 719 triệu USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Lần đầu tiên trong 38 tháng, nhập khẩu tôm của Mỹ giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường Mỹ được dự báo tăng nhẹ sau tháng 9 để phục vụ cho nhu cầu của lễ hội cuối năm.

Các thị trường lớn vẫn có nhu cầu tốt

Trong khi xuất khẩu tôm vào Mỹ giảm, thì xuất khẩu tôm vào Nhật Bản và EU vẫn ổn định.

Theo bà Kim Thu, nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật Bản khá ổn định trong nửa đầu năm nay và tăng trưởng dương liên tục dao động từ 6%-23%. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Dự kiến, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản vẫn duy trì ổn định cho đến cuối năm. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao như đi Mỹ, EU; mức lạm phát tại Nhật Bản cũng thấp hơn so với mức lạm phát đang tăng cao tại Mỹ, EU. Đây chính là những yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm sang Nhật Bản.

EU cũng tương tự thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang thị trường này khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay và duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 37% đạt trên 74 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu sang thị trường này đạt 378 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm sang EU trong quý 2/2022 thấp hơn so với các tháng quý 1. Dự báo, xuất khẩu tôm sang EU trong quý 3/2022 sẽ tiếp tục chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD.

Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU trong quý 3 có thể chững và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào quý cuối năm.

Sau khi tăng mạnh 3 con số từ 125%-140% từ tháng 3 đến tháng 5, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 6 chỉ tăng 32% đạt gần 58 triệu USD. Cộng dồn 6 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 84%.

VASEP đánh giá thị trường Trung Quốc vẫn có nhu cầu tiêu thụ tốt từ nay đến cuối năm.

Mục tiêu 10 tỷ USD sẽ vẫn hoàn thành

Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn về nguyên liệu và những thách thức còn tồn tại từ đầu năm. Dự báo xuất khẩu tôm nửa cuối năm sẽ không tốt như đầu năm.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký VASEP cho biết những yếu tố chính tác động khiến cho xuất khẩu tôm trong các tháng cuối năm có thể không bằng đầu năm, như:

Lạm phát tăng cao người tiêu dùng bắt buộc phải chọn lựa loại thực phẩm có giá rẻ hơn, trong khi tôm được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ có phần chững.

Gần đây, Trung Quốc đã mở cửa trở lại và nhiều quy định phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam.

"Hy vọng từ nay đến cuối năm Trung Quốc sẽ cho mở cửa thị trường sớm, như vậy xuất khẩu thủy sản sang đây mới tốt lên được, vì nhu cầu của thị trường này vẫn có và dù sao Trung Quốc vẫn là thị trường mạnh và lớn của thủy sản Việt Nam.

Mặc dù Trung Quốc đang mở ra một số hướng thuận lợi hơn, nhưng vấn đề là họ phải tạo điều kiện để nhập khẩu thủy sản vào nội địa được thuận lợi hơn nữa. Như vậy thủy sản Việt Nam chắc chắn có cơ hội gia xuất khẩu và có thể đạt khoảng 2 tỷ USD trong năm nay", Tổng thư ký VASEP kỳ vọng.

Dù có những dự báo xuất khẩu tôm, cá tra không bằng đầu năm, nhưng mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD thủy sản vẫn sẽ đạt được, vì lúc đầu VASEP dự kiến tháng 6 xuất khẩu thủy sản có thể không đạt 1 tỷ USD nhưng rồi vẫn vượt qua được, chứng tỏ nhu cầu thị trường vẫn còn.

Bên cạnh đó, thành quả của nửa đầu năm chính là nền tảng để ngành tôm tăng tốc, cộng với sự linh hoạt của người nuôi, sách lược thị trường của doanh nghiệp, xuất khẩu tôm dự kiến tăng trưởng ít nhất 10%, đạt khoảng 4,2 tỷ USD.

Bởi thông thường quý cuối năm xuất khẩu thủy sản luôn nhiều hơn đầu năm, và nếu có bất ngờ giảm xuống cũng phải bằng 6 tháng đầu năm (5,7 tỷ USD), như vậy mục tiêu 10 tỷ USD của ngành này vẫn sẽ hoàn thành.

Xuất khẩu tôm sẽ giảm tốc nửa cuối năm, mục tiêu 10 tỷ USD của ngành thủy sản có lung lay? - Ảnh 2.

Nửa đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 5,7 tỷ USD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại