Năm 2019, xuất khẩu của Thái Lan có năm giảm đầu tiên trong 4 năm, theo công bố của chính phủ Thái Lan. Chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến cho Thái Lan khó xuất hàng sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện là một trong những nước đối tác thương mại lớn của Thái Lan.
Xuất khẩu sang Mỹ trong khi đó tăng lên khi mà người tiêu dùng tìm kiếm lựa chọn thay thế cho sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Thế nhưng tính chung xuất khẩu vẫn giảm, theo công bố của Bộ Thương mại Thái Lan. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 2,7% xuống 246,2 tỷ USD.
Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3,8% xuống 29,1 tỷ USD. Nhiều công ty được cho là đã giảm mua linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc. Doanh số mua sản phẩm cao su giảm 15%, doanh số mua máy tính và linh kiện giảm 9%.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng tác động làm cho xuất khẩu Thái Lan giảm sâu nhất tính từ năm 2015. Xuất khẩu của Thái Lan trước đây đã tăng 80% trong 10 năm khi mà quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày một mạnh hơn.
Xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ tăng 11,8% lên 31,3 tỷ USD và Mỹ vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan. Xuất khẩu máy móc và phụ tùng máy móc tăng 10%, xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô tăng 7%. Nhiều công ty Mỹ tìm kiếm nguồn thay thế cho những sản phẩm họ mua từ Trung Quốc.
Xuất khẩu của Thái Lan sang Nhật, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều thành viên khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á giảm do đồng bath tăng giá quá mạnh. Đồng bath Thái hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong 6 năm so với đồng USD.
Dù xuất khẩu giảm nhưng thặng dư thương mại Thái Lan tăng gấp đôi so với năm 2018 lên 9,6 tỷ USD. Nhập khẩu thậm chí còn giảm sâu hơn xuất khẩu bởi kinh tế nội địa Thái Lan chững lại. Thặng dư thương mại với Mỹ tăng 7% lên 14 tỷ USD.
Vào ngày 13/1/2020, Bộ Tài chính Mỹ công bố rằng Thái Lan đang gần đến ngưỡng bị đưa vào danh sách theo dõi về thương mại và tiền tệ. Thái Lan có thể sẽ thực sự bị đưa vào danh sách này nếu cuối cùng thặng dư thương mại tiếp tục tăng quá cao.