Theo Bangkok Post, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 15% trong năm nay do cuộc đua tranh giành vị trí xuất gạo toàn cầu đang dần hạ nhiệt.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse dự báo rằng nhu cầu sẽ yếu hơn từ Indonesia, khách hàng hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á trong năm ngoái. Theo ông, đồng Baht biến động cũng có thể gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh với Việt Nam.
Ước tính sơ bộ cho thấy, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, vào khoảng 8,8 triệu tấn trong năm 2023.
Tuy nhiên, Indonesia, có thể sẽ giảm mua hàng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới, "Đồng Baht cũng rất biến động, khiến giá bán của chúng tôi không có tính cạnh tranh, trong khi vụ mùa mới của Việt Nam có vẻ rất khả quan", ông Chookiat nói.
Giá gạo xuất khẩu từ một số "vựa lúa" ở châu Á tăng khi những căng thẳng về nguồn cung khiến giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm tăng lên mức cao kỷ lục 15 năm vào hồi tháng 12. Trong khi giá gạo đồ của Ấn Độ cũng ở mức cao nhất trong 2 tháng.
Giới chuyên gia nhận định, có 2 nguyên nhân chính khiến giá gạo thế giới tăng mạnh trong năm ngoái. Một là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và hai là thời tiết khô hạn ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất lúa gạo ở nhiều quốc gia. Do vậy, nhiều quốc gia đã tăng cường mua hàng để xây dựng kho dự trữ trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn nữa.
Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã chứng kiến sản lượng gạo suy giảm do lượng mưa ít do hiệu ứng El Nino. Nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và kiềm chế lạm phát giá lương thực, quốc gia đông dân nhất thế giới đã quyết định hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2023 và dự kiến duy trì hạn chế này cho tới ít nhất giữa năm 2024.
Chookiat cho biết vụ đông xuân của Việt Nam dự kiến thu hoạch vào tháng 2 và tháng 3, sẽ giúp giá gạo ổn định và thu hút người mua trở lại, đơn cử như Philippines. Nguồn cung của Ấn Độ cũng có thể được giải phóng sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, làm dịu đi những lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
"Ấn Độ có thể sẽ duy trì lệnh cấm trong nửa đầu năm nay. Nhưng nếu chúng bị thu hồi trong nửa cuối năm, giá gạo toàn cầu sẽ giảm ngay lập tức", ông Chookiat nhận định.
Với riêng Việt Nam, khép lại năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo của nước ta ước đạt kỷ lục với 8,2 triệu tấn, trị giá 4,8 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.
Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana…, nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, lại dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn, hay như Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam - ngay trong năm 2023 ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam.
Với những lợi thế đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 dự tính mang về 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023. Không chỉ tăng số lượng, giá gạo cũng được dự báo tiếp đà tăng.