Ảnh: HAGL
Từ tháng 9/2022, sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cũng từ đây, loại trái cây này mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng rau quả nước ta. Dự báo năm nay, Việt Nam có thể thu về 1 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với Thái Lan.
Trong tháng 5, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới hơn nửa tỉ USD (503,4 triệu USD), tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị kim ngạch lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này.
Trung Quốc yêu thích sầu riêng của Việt Nam.
Kể từ tháng 4/2023, mỗi ngày có hai chuyến tàu chở nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc. Hầu hết các loại trái cây được vận chuyển là sầu riêng và măng cụt.
“Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ nhập khẩu được hơn 3.000 container, tương đương gần 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc – gấp ba lần số lượng nhập khẩu của tôi từ Thái Lan” , Bob Wang - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh kiêm nhà sáng lập chuỗi cung ứng TWT cho biết.
Giá sầu riêng trong nước theo đó cũng không ngừng tăng. Giống Musang King được bán với giá khoảng 300.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá sầu riêng mỗi ngày đều tăng 1.000 đồng/kg. So với năm ngoái, giá bán sầu riêng tại vườn đã tăng 15.000-20.000 đồng/kg.
Kết quả tích cực này mở ra cơ hội lớn hơn cho trái sầu riêng Việt Nam và người trồng nói chung. Trong đó, có Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Bầu Đức được xem là người "đón sóng" trồng sầu riêng và đã có những chia sẻ về vườn sầu riêng 1.000 ha của mình.
Bầu Đức lí giải, nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhiều nước trồng sầu riêng nhưng ruộng liền một thửa lên hàng ngàn hecta như HAGL thì "không ai có". Theo kỳ vọng của bầu Đức, sầu riêng sẽ mang về khoảng lợi nhuận lớn cho HAGL ngang ngửa heo và chuối. Bởi ông cho rằng sầu riêng là trái có biên lợi nhuận rất lớn.
Ảnh: HAGL
HAGL trồng khoảng 1.000 ha sầu riêng, hơn 200 ha sầu riêng tại Việt Nam và gần 800 ha tại Lào (trong năm 2022 có trồng thêm), có hai giống chủ lực là sầu riêng giống Musang King (Malaysia) và Monthong (Thái Lan).
Bầu Đức nhận định: “Trung Quốc trồng sầu riêng không được vì lạnh. Còn tại Việt Nam, từ đèo Hải Vân trở ra là không trồng được. Việt Nam chỉ có miền Tây, Tây Nguyên, Trung Bộ có khí hậu thích hợp với cây sầu riêng. Nên họ nói trồng được sầu riêng là nói vậy thôi. Chưa kể, nếu họ trồng được và trồng từ bây giờ, thì HAGL đã trồng 4-5 năm rồi. Chúng ta đã đi trước họ 5 năm."
"Đã làm kinh tế, đương nhiên khi đầu tư cây gì, con gì tôi phải nghiên cứu rất kỹ. Thấy có lợi mới bỏ tiền vào, mới đầu tư", bầu Đức chia sẻ.
Và kết quả mùa vụ đầy thất vọng mới đây tại Trung Quốc đã cho thấy tầm nhìn cực nhạy bén của bầu Đức. Cụ thể, Giám đốc Viện Trái cây Nhiệt đới trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam cho biết, dự kiến đảo Hải Nam (Trung Quốc) sẽ chỉ sản xuất được khoảng 50 tấn sầu riêng trong năm nay.
Sầu riêng tại Hải Nam (Trung Quốc).
Con số trên kém xa so với ước tính sản lượng 2.450 tấn mà đài truyền hình quốc gia CCTV đưa ra hồi tháng 3 và chỉ phục vụ được 0,005% tổng nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc năm nay, vốn rơi vào khoảng một triệu tấn. Trong khi diện tích trồng sầu riêng thí điểm tại Hải Nam chỉ khoảng 70 ha.
Do đó, có thể phải mất nhiều năm nữa đại đa số người tiêu dùng trong nước mới có thể chạm tay đến loại quả này và ước tính sản lượng dự kiến giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Kể từ bây giờ đến lúc đó, sầu riêng Việt Nam vẫn đang được lòng người dân Trung Quốc nhờ chất lượng và giá thành hợp lý.