Trong cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng mới đây của Quân đội Ai Cập, lực lượng thiết giáp quốc gia Bắc Phi này đã giới thiệu một phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 khá lạ mắt, đó là nó được tích hợp 4 ống phóng tên lửa chống tăng (ATGM) gắn ngoài tháp pháo, chia làm 2 cụm 2 ống mỗi bên.
Việc nâng cấp như trên được cho là sẽ giúp T-62 có khả năng tiêu diệt mục tiêu từ tầm ngoài 4.000 m, điều mà khẩu pháo 115 mm của nó không thể hoặc rất khó làm được. Bên cạnh đó, sức công phá của ATGM có tác dụng bù đắp cho uy lực của pháo U-5TS vốn không thể sánh bằng các loại 120 và 125 mm.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 nâng cấp của Ai Cập với các ống phóng tên lửa chống tăng bên ngoài tháp pháo
Thực ra cách làm của Ai Cập không hề mới mà đã được Triều Tiên áp dụng từ lâu trên chiếc Pokpung-ho IV (Bão Hổ IV) của họ, khi chất lên xe tăng cả trọng liên 14,5 mm, tên lửa chống tăng AT-5 Spandrel lẫn tên lửa phòng không vác vai SA-16 Igla, biến nó thành loại MBT có dàn hỏa lực phong phú nhất thế giới.
Tuy nhiên cách nâng cấp này bị nhận xét là "vẽ rắn thêm chân" khi hiện tại các xe tăng đời mới hầu như đều có khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, mang lại sự thuận tiện hơn nhiều so với để "lộ thiên" bên ngoài, vừa gây rắc rối cho quá trình điều khiển, tái nạp tên lửa, trong khi lại dễ bị tổn thương trước mảnh bom, pháo hay vũ khí bộ binh nhẹ của đối phương.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Pokpung-ho IV (Bão Hổ IV) của Triều Tiên
Có lẽ Quân đội Ai Cập lựa chọn cách làm trên nhằm tận dụng nốt những tên lửa chống tăng còn dư thừa trong kho và tránh việc phải đi mua AT-10 do Nga sản xuất.
Nếu thực sự như vậy thì hướng đi của quốc gia Bắc Phi này cũng tạm coi là hợp lý.
Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm rằng việc tích hợp cho xe tăng chiến đấu chủ lực những vũ khí "ngoại lai" mà đáng lẽ ra phải thuộc về một phương tiện mang phóng khác thậm chí còn được cả Nga nghiên cứu với mẫu xe tăng T-90M Proryv-3 mới nhất.
Đồ họa xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv-3 mang pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm
Ý tưởng tích hợp pháo tự động 2A42 của xe chiến đấu bộ binh BMP-2 lên xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv-3 với kết cấu mở như trên sẽ khiến phương tiện này đảm trách thêm cả vai trò của xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT, khi bắn được vào các vị trí bị che khuất trên cao mà khẩu pháo chính 125 mm với cơ số đạn ít không thể hoặc rất khó đối phó.
Mặc dù nhìn rất "hoành tráng" nhưng nhược điểm về độ ổn định của pháo 2A42 khi gắn kết như trên đã được chỉ ra ngay lập tức, bên cạnh đó tháp pháo của T-90M cũng sẽ trở nên rất nặng nề dẫn tới xoay trở chậm.
Phương cách vũ trang cho xe tăng như một "pháo đài di động" có vẻ đang trở thành một xu thế mới, nhưng nó vẫn cần phải vượt qua rất nhiều rào cản để trở thành một phương tiện bọc thép đa năng như kỳ vọng.
Sức mạnh lực lượng vũ trang Ai Cập