Lấy sỏi ống mật thành công bằng tán sỏi ngược dòng cho cụ ông 101 tuổi
Ngày 18/3, đại diện BVĐK Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, "Sau 05 ngày được các y bác sĩ BV nội soi lấy sỏi ống mật bằng phương pháp tán sỏi ngược dòng, Cụ ông Nguyễn Văn Th. 101 tuổi đã không còn đau bụng nhiều, ăn được, ăn đỡ nôn, tinh thần tốt, hầu như không có biến chứng".
Theo thông tin từ phía người nhà bệnh nhân, sau khi thấy cụ Th. có những biểu hiện như đau nhói bụng, mệt mỏi cứ nghĩ là các dấu hiệu của tuổi già, nên gia đình khá chủ quan. Sau khi thấy cụ chán ăn, ăn vào nôn, gia đình lập tức đưa cụ ông 101 tuổi vào thăm khám tại BVĐK Hùng Vương.
Sau các kiểm tra và chẩn đoán lâm sàng, các BS chuyên khoa phát hiện cụ bị sỏi ống mật.
Đặc biệt, đây là trường hợp lớn tuổi, chính vì thế bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với ca bệnh 101 tuổi này.
Xác nhận từ phía đơn vị y tế, Cụ ông Nguyễn Văn Th. được ra viện ngày 18/03/2018, bệnh nhân và người nhà được các Bác sĩ khoa HSCC BV Hùng Vương tư vấn về chế độ ăn, uống, luyện tập... sau khi ra viện một cách tận tình và chu đáo.
BS CK I Lương Minh Tuấn - Trưởng khoa HSCC - BVĐK Hùng Vương chia sẻ: "Sỏi ống mật là một bệnh có thể gây tắc nghẽn đường mật, kích thước sỏi ống mật chủ càng lớn càng gây ra các biến chứng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời".
Bác sĩ cũng khuyến cáo: "Khi có các biểu hiện như đau nhói bụng, mệt mỏi, chán ăn… bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn sức khỏe".
Phương pháp tán sỏi ngược dòng để lấy sỏi ống mật được đánh giá là kỹ thuật hiện đại và đạt hiệu quả khoa học
Chế độ ăn uống và luyện tập giúp ngăn ngừa mắc sỏi ống mật
Về chế độ ăn uống: Người bệnh cần ăn uống điều độ, ăn đúng bữa, đủ bữa. Đặc biệt không nhịn ăn sáng để mật được tiết ra liên tục, không gây lắng đọng tạo thành sỏi.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol (một trong những nguyên nhân hình thành sỏi mật), đồng thời tăng cường rau xanh, quả tươi, chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và phòng ngừa táo bón.
Các thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi và định kì tẩy giun 6 tháng một lần.
Về chế độ luyện tập: Người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng hoạt động cơ, tăng nhu động mật, do đó giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm sự ứ trệ dịch mật.
Bên cạnh đó còn giúp tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể và nâng cao sức khỏe toàn trạng.
Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật sỏi ống mật
Sau phẫu thuật, người bệnh thường chỉ ăn nhẹ trong khoảng 24h cho đến khi đi trung tiện.
Bên cạnh đó, cần được theo dõi thường xuyên trong 1 tuần để đánh gía hiệu quả phẫu thuật và có thể phát hiện sớm biến chứng nếu có.
Do vậy, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Mặt khác, sỏi vẫn có khả năng tái phát sau phẫu thuật nên người bệnh luôn phải lưu ý đến chế độ ăn uống, luyện tập của mình.
Định kì khám sức khỏe
Chuyên gia nhấn mạnh, sỏi ống mật chủ là bệnh thường ít xuất hiện các triệu chứng hay chỉ xuất hiện các triệu chứng mơ hồ như đầy chướng, chậm tiêu.
Hầu hết các trường hợp đều được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kì hoặc khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng thì mới được phát hiện.
Do vậy, tốt nhất nên định kì 3 – 6 tháng thăm khám sức khỏe tổng thể một lần hoặc khi thường xuyên xuất hiện chứng đầy chướng, chậm tiêu thì nên sớm khám chuyên khoa tiêu hóa.
Bệnh nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn sỏi mới hình thành, kích thước nhỏ sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn, người bệnh có thể chung sống hòa bình với sỏi mà không cần phẫu thuật và có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng xuất hiện.
Xem thêm:
Phẫu thuật loại bỏ khối tóc ra khỏi dạ dày bệnh nhân