Xuất hiện thêm biến thể SARS-CoV-2 mới: Cuộc chiến chống dịch thêm chông gai

Phương Anh |

Hiện các nhà khoa học Nhật Bản đang lên kế hoạch sớm nghiên cứu về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 đối với biến thể mới của SARS-CoV-2.

Nhật Bản vừa phát hiện thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có cấu trúc khác với chủng đã phát hiện ở Anh và Nam Phi. Dù nỗ lực triển khai tiêm vaccine ngừa dịch bệnh vẫn đang được đẩy nhanh tại nhiều nước, song trước thực trạng các hệ thống y tế đều “kêu cứu” vì quá tải, nay lại thêm sự xuất hiện của biến thể mới chưa rõ mức độ nghiêm trọng, cho thấy cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu vẫn rất gian nan, chưa biết bao giờ mới đi đến hồi kết.

Biến thể mới được tìm thấy ở 4 người đến Nhật Bản từ Brazil. Các nhà chức trách Nhật Bản đã thông báo cho phía Brazil rằng, biến thể mới có 12 đột biến và một trong số đột biến đó đã được xác định cũng có trong các biến thể được tìm thấy ở Vương quốc Anh và Nam Phi. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đặt ra giả thiết, không loại trừ khả năng biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn. Hiện các nhà khoa học Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch sớm nghiên cứu về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể mới. Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản cũng đã gửi thông báo liên quan đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tính đến sáng sớm 11/1, theo thống kê của trang Worldometers, đại dịch Covid-19 đã “tấn công” 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 90,7 triệu người, trong đó hơn 1,9 triệu trường hợp tử vong. Hàng loạt các quốc gia đang đẩy nhanh việc xúc tiến các chương trình tiêm chủng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trước diễn biến phức tạp của đại dịch.

Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19, thêm 2 địa điểm tiêm chủng đại trà vừa đi vào hoạt động tại thành phố New York ngày 10/1, đã đem lại hy vọng mới cho người dân thành phố này trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Cô Claudia Zain, một nhân viên y tế, người vừa nhận được mũi tiêm đầu tiên xúc động nói: “Tôi thực sự cảm thấy rằng mọi người lúc này cần hy vọng vào những điều tích cực và suy nghĩ xem chúng ta phải làm gì để vượt qua khó khăn này. Hôm nay nhận mũi tiêm đầu tiên, tôi cảm thấy mình như một phần nhỏ trong lịch sử của nước Mỹ. Hãy luôn hướng về phía trước, vượt qua khó khăn hiện tại, nhìn về tương lai là những gì mà tôi nghĩ mọi người ai cũng sẵn sàng để làm vậy.”

Tại Anh, quốc gia đang “điêu đứng” khi chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến do sự xuất hiện của biến thể mới nguy hiểm, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo, nước này trong ngày hôm nay sẽ khai trương 7 trung tâm tiêm chủng vaccine quy mô lớn để giúp đẩy nhanh việc chiến dịch chủng ngừa Covid-19 đại trà cho người dân. Ước tính, nhà chức trách Anh đang tiêm chủng cho khoảng 200 nghìn người mỗi ngày.

Trong khi đó, tại Israel, quốc gia với Chiến dịch “thần tốc” triển khai tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế nước này thông báo đến nay đã có 72% số người trên 60 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng Covid-19. Thủ tướng Netanyahu cho biết sẽ tăng số người được tiêm chủng Covid-19 lên 170.000 người/ngày. Đến nay, tại Israel đã có hơn 1,8 triệu người được tiêm xong đợt 1 vaccine phòng Covid-19, chiếm hơn 20% dân số.

Còn theo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đến nay đã có hơn 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa Covid-19 bằng vaccine Sputnik V.

Bước sang năm mới 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn bủa vây, dù các nước đang tăng tốc các chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân như tấm lá chắn phòng bệnh, song việc liên tiếp xuất hiện biến thể mới, cùng những con số đáng báo động ghi nhận tình hình thực tế dịch bệnh cho thấy thế giới cần xác định việc xóa sổ đại dịch Covid-19 sẽ là một cuộc chiến dài hơi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại