Chiều 20/4, ông Cao Huy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã kí công văn 1819/UBND-NC yêu cầu Công an tỉnh Đắk Nông khẩn trương điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ để xử lý hành vi vi phạm của chủ cơ sở tại xã Đắk Wer khi nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - chủ cơ sở nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin
Công văn trên cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nắm tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm; vận động người dân tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng chất cấm, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Nước pin được bà Loan dùng nhuộm phế phẩm cà phê
Trước đó, từ ngày 15 đến 17/4/2018, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer) đã có hành vi dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước với pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
PC49 Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê (cà phê nhân nát vụn, vỏ cà phê) đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì.
Tại hiện trường còn có 40 lít dung dịch màu đen, 35 kg pin đập dẹp, 129 kg lõi, nắp và vỏ pin.
Đá sỏi được bà Loan dùng trộn với phế phẩm cà phê
Đại tá Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Hiện bà Loan mới khai nhận chỉ bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước, ngoài ra chưa khai bán ở đâu khác.
“Hiện công an tỉnh Đắk Nông chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan và người làm công. Chúng tôi cũng đang đấu tranh với bà Loan để làm rõ mục đích, động cơ sơ chế phế phẩm cà phê này.
Vụ việc này đã xuất hiện nhiều tình tiết mới, công an tỉnh cũng đang cho điều tra làm rõ những tình tiết này nên chưa thể thông tin được cho báo chí”, đại tá Quy cho hay.