Xuất hiện nhà ngoại giao Trung Quốc quyền lực nhất sau 14 năm, ban lãnh đạo mới muốn gì?

Hải Võ |

Việc ông Dương Khiết Trì trở thành Ủy viên Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 là tín hiệu chuyển biến ở Bắc Kinh trong tầm nhìn về quan hệ quốc tế.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên quốc vụ phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì đã được bầu làm Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19 tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa 19, họp sáng 25/10 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Ông Dương là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa 16, Ủy viên trung ương khóa 17, 18, 19. Ông từng giữ chức Ngoại trưởng Trung Quốc giai đoạn 2007-2013 và là một chuyên gia về Mỹ.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), việc ông Dương lọt vào cơ quan quyền lực hàng đầu của ĐCSTQ cho thấy chủ tịch Tập Cận Bình rất kiên quyết trong việc đưa Trung Quốc trở thành một thế lực toàn cầu.

Sự kiện này đánh dấu ông Dương Khiết Trì trở thành quan chức ngoại giao quyền lực nhất ở Trung Quốc kể từ thời ông Tiền Kỳ Tham - phó thủ tướng và là cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời lãnh đạo Giang Trạch Dân. Ông Tiền nghỉ hưu từ năm 2003 và vừa qua đời tháng 5/2017.

SCMP bình luận, việc thăng tiến trong đảng là sự ghi nhận đối với năng lực và đóng góp của ông Dương Khiết Trì trong thực thi phương hướng ngoại giao của ông Tập Cận Bình, đồng thời là "đòn bẩy" đối với cơ cấu ngoại giao của Trung Quốc khi nước này đang tìm cách mở rộng lợi ích/ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Ông Mã Chấn Cương, cựu đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, nói rằng việc quan chức chính phủ trực tiếp phụ trách đối ngoại được đưa vào Bộ chính trị là điều đáng mừng đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc, bởi điều này chứng tỏ ban lãnh đạo mới đã xem trọng hơn trước lĩnh vực ngoại giao.

"Đó là sự ghi nhận đối với cá nhân ông Dương Khiết Trì và toàn bộ cơ cấu chính sách đối ngoại của cả nước trong công cuộc trỗi dậy thành một nước có tầm quan trọng toàn cầu của Trung Quốc," ông Mã nói với SCMP.

Hai người người tiền nhiệm của ông Dương ở vị trí Ủy viên quốc vụ là các ông Đường Gia Triền, Đới Bỉnh Quốc, đều không trở thành Ủy viên Bộ chính trị, được cho là bằng chứng về tầm ảnh hưởng suy giảm của Bộ ngoại giao Trung Quốc trong việc định hình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Với sự tham gia trong bộ máy 25 người để thảo luận những quyết định lớn nhất của quốc gia, ông Dương có thêm ảnh hưởng và kênh liên lạc trực tiếp để đưa ý kiến của mình tới ông Tập Cận Bình.

Xuất hiện nhà ngoại giao Trung Quốc quyền lực nhất sau 14 năm, ban lãnh đạo mới muốn gì? - Ảnh 1.

Ông Dương Khiết Trì dẫn đầu đoàn đại biểu ngoại giao Trung Quốc trong Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ-Trung Quốc, tổ chức tại trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ, ngày 21/6/2017 (Ảnh: BNG Mỹ)

Trung Quốc hướng tới một cường quốc về ngoại giao

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ cho rằng "vấn đề đối ngoại đang trở nên quan trọng hơn trong việc thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc".

Evan Medeiros, cố vấn về vấn đề châu Á của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, gọi việc ông Dương Khiết Trì thăng tiến "là bước phát triển lịch sử trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc".

"Điều này thể hiện ông Tập Cận Bình đề cao công tác đối ngoại và kỳ vọng Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt ở châu Á cũng như toàn cầu," ông Medeiros nói.

Nhờ mối liên hệ cá nhân với gia đình cựu tổng thống Mỹ Bush, Dương Khiết Trì từng đóng vai trò trọng yếu trong ổn định mối quan hệ bấp bênh giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là qua các giai đoạn nhạy cảm hồi thập niên trước.

Ông Dương cũng góp công trong việc xây dựng và củng cố liên hệ giữa ông Tập với tổng thống Mỹ Donald Trump, và vận động để đưa tới hồi kết cho vụ giằng co kéo dài 10 tuần giữa quân đội Trung Quốc-Ấn Độ ở cao nguyên Doklam/Donglang mùa hè vừa qua.

Dương Khiết Trì, cùng em trai là học giả Trung Quốc nổi tiếng Dương Khiết Mẫn, cũng được cho là có phần trong việc định hình khẩu hiệu của ông Tập Cận Bình về "quan hệ nước lớn kiểu mới".

Vào tháng 1/2017, ông Dương là một trong các quan chức chính phủ đầu tiên công khai ủng hộ các tư tưởng của ông Tập trong lĩnh vực ngoại giao.

Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định việc ông Dương trở thành Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên.

"Đó là dấu hiệu chính sách đối ngoại Trung Quốc đòi hỏi được quan tâm nhiều hơn từ ban lãnh đạo, và cần có một người quyết sách trong Bộ chính trị," ông Gabuev nói.

"Trong bối cảnh toàn cầu phức tạp, mối quan hệ với các thế lực chủ chốt - như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và các bên khác, cũng như khả năng điều hướng các vụ khủng hoảng khu vực ngày càng gia tăng, là rất quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế và sự ổn định trong nước của Trung Quốc."

"Sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình toàn cầu hóa kéo theo sự phụ thuộc ngày càng lớn [của Trung Quốc] vào điều kiện bên ngoài, và nhiều vấn đề như thương mại có sự đan xen với địa chính trị. Do đó Trung Quốc cần một nhà ngoại giao giỏi, được ông Tập Cận Bình tín nhiệm hoàn toàn, để định hướng trong cục diện phức tạp này," học giả người Nga bình luận.

Xuất hiện nhà ngoại giao Trung Quốc quyền lực nhất sau 14 năm, ban lãnh đạo mới muốn gì? - Ảnh 2.

Ông Dương Khiết Trì (ngoài cùng bên phải) tháp tùng ông Tập Cận Bình trong phiên làm việc tại Duma quốc gia Nga, ngày 23/3/2013 (Ảnh: VOA)

Các nhà quan sát khác nói rằng sự thăng tiến của ông Dương Khiết Trì có thể hiểu là ban lãnh đạo Trung Quốc khóa mới muốn bảo đảm tính liên tục trong chính sách đối ngoại, được cho là đã chuyển từ "giấu mình chờ thời" sang chính sách quyết đoán hơn, giữa bối cảnh cộng đồng quốc tế bày tỏ nhiều nghi ngại về mục đích của Bắc Kinh đằng sau quá trình trỗi dậy.

Giáo sư Thời Ân Hoằng của Đại học nhân dân Trung Quốc nói: "Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy đáng kể vai trò trong quản trị kinh tế và chính trị toàn cầu, với mục tiêu gia tăng ảnh hưởng chiến lược trong khu vực để đối trọng với Mỹ và Nhật Bản."

Dibyesh Anand, chuyên gia về Trung Quốc ở Đại học Westminster (Anh), tin rằng kinh nghiệm của ông Dương Khiết Trì trong đối ngoại với Mỹ, Nhật và Ấn Độ sẽ giúp quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn phát triển thuận lợi hơn, và "tạo điều kiện cho tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về một cường quốc ngoại giao".

[VIDEO] Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19 ra mắt công chúng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại