Hòn đảo núi lửa mới nổi ở đại dương ngoài khơi đảo Iwo Jima của Nhật Bản có thể được nhìn thấy qua hình ảnh vệ tinh. (Ảnh: ESA/USGS)
Một hòn đảo mới nổi lên từ Thái Bình Dương sau một vụ phun trào núi lửa dưới nước hiện có thể nhìn thấy được từ không gian qua hình ảnh từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, vùng đất mới nằm cách bờ biển đảo Iwo Jima của Nhật Bản khoảng 1 km.
Ngọn núi lửa chìm dưới nước bắt đầu phun trào ngày 21/10 vừa qua và hoạt động của nó tăng cường trong 10 ngày tiếp theo. Đến ngày 30/10, cứ vài phút lại có một vụ phun trào xảy ra. Vụ phun trào đã ném những khối đá lớn lên không trung và bắn ra một luồng khí và tro cao hơn 50m gần như thẳng đứng trên mặt nước.
Tuyên bố từ ESA cho biết, kể từ khi núi lửa bắt đầu phun trào, tro và đá núi lửa đã chồng chất lên nhau để tạo thành hòn đảo mới, hiện có thể nhìn thấy được từ không gian. Hình ảnh mới nhất được chụp bằng vệ tinh Landsat 9 ngày 3/11 vừa qua cho thấy điều này. Hình ảnh cho thấy hòn đảo Iwo Jima – nằm cách Tokyo khoảng 1.200 km về phía nam – trước và sau vụ phun trào mới nhất.
Cùng với sự xuất hiện một hòn đảo mới, núi lửa phun trào còn tạo ra một biển đá bọt nổi – một loại đá cực kỳ xốp hình thành trong các vụ phun trào bùng nổ. Theo một bản dịch khác, phân tích mới về loại đá bọt này cho thấy thành phần hóa học của nó khác với thành phần hóa học của núi lửa phun ra từ các núi lửa khác trong chuỗi này. Tuyên bố lưu ý rằng, đá bọt có thể xuất phát từ một vụ phun trào dọc theo vùng rạn nứt phía sau vòng cung – khu vực phía sau vòng cung núi lửa.
Vụ phun trào mới nhất gần như ở cùng một vị trí với vụ phun trào diễn ra vào tháng 7 năm 2022, cho thấy hoạt động magma đang tiếp tục trở lại tại Iwo Jima.
Yuji Usui, nhà phân tích của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, cho biết vụ phun trào hiện đã lắng xuống. Hòn đảo mới rộng khoảng 100 m và cao 20 m, nhưng nó dường như đang bị thu hẹp lại khi sóng ăn mòn lớp đá "vỡ vụn". Liệu hòn đảo mới có tồn tại được hay không vẫn chưa rõ và phụ thuộc vào thành phần của nó. “Nếu là dung nham, nó có thể tồn tại lâu hơn,” Usui nói với AP.
Theo Live Science