Phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối khi vừa sinh con xong
Năm 2020, Bùi Thị Nhớ (quê ở Quảng Bình) bất ngờ phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối ở tuổi 28.
Thời điểm đó Nhớ đã kết hôn và có một bé trai 2 tuổi kháu kỉnh, hoạt bát. Vốn muốn đợi con trai lên 5 tuổi mới sinh con thứ 2, nhưng Nhớ đã mang thai lần 2 trước dự định.
Dự định bị thay đổi nên lúc đó Nhớ đã khóc rất nhiều. Tuy nhiên, giờ đây khi nghĩ lại cô lại thầm cảm ơn số phận đã mang con đến bên cạnh và giúp mình vượt qua mọi bệnh tật.
Mang thai tới tuần thứ 12, Nhớ ho nhiều, ho cả ra máu. Nhớ khó thở phải vào nhập viện điều trị. Do Nhớ đang mang thai nên bác sĩ không chỉ định chụp xquang mà chỉ truyền một đợt kháng sinh, khi tình trạng ho đỡ hơn, Nhớ được xuất viện.
Tưởng rằng chỉ đi viện một lần do ốm nghén, nhưng sau đó Nhớ liên tục phải nhập viện vì ho nhiều. Số lần nhập viện cứ lặp đi lặp lại khiến bác sĩ nghi ngờ có thể Nhớ bị lao phổi hoặc thậm chí u ác tính.
Bác sĩ chỉ định Nhớ làm xét nghiệm máu, lấy đờm thử lao phổi. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm âm tính. Điều này khiến bác sĩ đăm chiêu, còn Nhớ thì vô tư chẳng suy nghĩ nhiều. Nhớ vẫn dành thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống, đi bộ nhẹ nhàng và nói chuyện với con trai đang ở quê cùng bà nội.
Những ngày cuối thai kỳ, khi đang theo dõi thai ở khoa sản, Nhớ bỗng nhiên ho ra máu liên tục không cầm được. Ngay lập tức bác sĩ chỉ định mổ đẻ cấp cứu.
"Chẳng hiểu sao lúc đó dù đang được đẩy vào phòng mổ nhưng em vẫn an nhiên thấy lạ", Nhớ nói.
Sau bao ngày chờ đợi, Nhớ đã thành công sinh ra một cô công chúa khoẻ mạnh, nặng 3,2kg.
2 giờ đồng hồ sau mổ đẻ, Nhớ được bác sĩ chỉ định chụp CT do bác sĩ nghi ngờ có khối u. Kết quả phổi phải của Nhớ có một khối u, khả năng cao là u ác tính. Ngoài phòng chờ, chồng Nhớ đã khóc vì không tin vào sự thật. Nhớ cũng khóc vì không nghĩ căn bệnh đó lại rơi vào mình.
Sau đó vợ chồng Nhớ gửi con gái mới sinh về nhờ bà nội chăm sóc và bước vào cuộc chiến với ung thư phổi giai đoạn 4 đã di căn não.
"Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn em đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng khi gọi điện về, thấy đứa con thơ bé bỏng, em lại tự nhủ phải gắng lên để được nghe con gái gọi mẹ ơi. Con em còn quá nhỏ, còn cần mẹ", Nhớ chia sẻ.
Hành trình vượt lên bệnh tật
Lấy động lực là 2 con thơ, Nhớ bước vào cuộc điều trị ung thư, cố gắng chịu đựng tác dụng phụ của thuốc. Sau 2 năm hoá trị sức khỏe của Nhớ cũng ổn định.
Giờ đây, cô con gái bé bỏng năm xưa đã được hai tuổi rưỡi, thường chạy theo mẹ líu lo cả ngày.
Nhớ tâm sự: "Mọi người nói em có bầu mới bị bệnh nặng, em thì nghĩ khác: "Con đã đến đúng lúc đúng thời điểm để tiếp thêm động lực và sức mạnh cho em vượt qua bệnh tật".
2 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, Nhớ cũng rút ra được một số kinh nghiệm giúp cô vượt lên bệnh tật. Tất cả được gói trong 4 chữ T.
Quy tắc 1: Thuốc
Khi biết mình mắc bệnh, Nhớ cũng rơi vào "ma trận" thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc lá… Nhớ cũng thử uống và thấy chỉ mất tiền mà lại không có hiệu quả. Lúc này, Nhớ mới nhận ra rằng việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc chính thống mới là cách điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Quy tắc 2: Tinh thần
Thời điểm mới nhận ra mình mắc bệnh, Nhớ cũng hoang mang, lo lắng, buồn khổ. Nhớ thấy mọi lời động viên của người thân, bạn bè xáo rỗng và cứ để mặc bản thân chìm trong đau khổ. Một thời gian tự giam mình trong nỗi đau, Nhớ nhận ra nếu cứ sống vậy thì thật vô nghĩa.
Sau đó Nhớ mở lòng, đón nhận lời chia sẻ, động viên của người xung quanh. Nhớ ăn những món ăn yêu thích, lúc mệt thì nghỉ ngơi, lúc khỏe cô sẽ đi chơi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để tương tác với bạn bè.
Và khi tinh thần tốt hơn, sức khỏe của Nhớ cũng được cải thiện. Cô ăn được hơn, ngủ ngon hơn. Nhớ tìm hiểu và biết rằng tinh thần vui vẻ giúp cơ thể tiết ra chất endorphin - một "chất giảm đau tự nhiên" và tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch, từ đó giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
Quy tắc 3: Thực phẩm
Trong thời gian điều trị Nhớ không quá khắt khe với bản thân về chuyện ăn uống.
"Thèm gì em ăn nấy, ăn được là tốt rồi", Nhớ nói.
Nhớ cố gắng ăn nhiều và chia ra ăn từng bữa nhỏ. Nhớ chia sẻ rằng khi mệt và buồn nôn quá thì cô sẽ ngừng ăn nhưng lúc đỡ hơn thì sẽ cố gắng ăn bù. Trường hợp nhiều ngày không ăn được thì cô sẽ liên hệ với bác sĩ để được truyền thêm đạm sữa, nước muối, đường…
Khi Nhớ vượt qua gia đoạn điều trị và trở về với cuộc sống thường nhật, cô vẫn tiếp tục tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, bao gồm: tăng cường ăn các loại rau xanh, củ, quả, ăn các loại hải sản và hạn chết thịt đỏ, đồ chiên nướng dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
Quy tắc 4: Thể thao
Dù mệt mỏi vì bị căn bệnh ung thư hành hạ nhưng Nhớ vẫn cố gắng luyện tập thể dục. Khi sức khoẻ còn yếu, Nhớ tập các động tác đơn giản như đứng yên một chỗ, đưa hai tay lên xuống kết hợp hít thở. Sau một thời gian điều trị, khi sức khỏe đã cải thiện hơn, Nhớ kết hợp thêm đi bộ vào buổi tối.
Qua câu chuyện của bản thân, Nhớ muốn nhắn nhủ tới những người mắc bệnh giống cô hãy mạnh mẽ, lạc quan đương đầu với khó khăn, bệnh tật và trân trọng tận hưởng từng phút giây đang sống. Cô cho rằng việc sống hạnh phúc, vui vẻ và ý nghĩa quan trọng hơn việc sống được bao lâu.
Đối với những bạn trẻ, Nhớ cũng nhắn nhủ mọi người hãy luôn chú ý chăm sóc sức khỏe, ăn uống sinh hoạt điều độ và kiểm tra sức khỏe định kỳ vì có sức khỏe là có tất cả.