Xuất hiện loạt video "Tên lửa xuyên lục địa Trung Quốc bay ngang bầu trời Mỹ": Chuyện gì xảy ra?

Hữu Hiển |

Ngày 25/9, Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào vùng biển quốc tế trên Thái Bình Dương.

Tin đồn

Trang The Paper (Trung Quốc) hôm 30/9 đưa tin, mới đây, một số video được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng xã hội trong và ngoài Trung Quốc, được cho là miêu tả cảnh “tên lửa xuyên lục địa Trung Quốc bay ngang bầu trời nước Mỹ”. Nhiều video có chú thích khác nhau, cho rằng tên lửa đã đi qua Hawaii ở Mỹ. Có video nói rằng tên lửa xuất hiện ở bờ tây nước Mỹ.

Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, vào lúc 8h44 ngày 25/9 (giờ địa phương), Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn huấn luyện vào vùng biển quốc tế trên Thái Bình Dương và rơi chính xác xuống khu vực biển được xác định trước.

Vụ phóng tên lửa này đã được lên kế hoạch trong hoạt động huấn luyện quân sự hàng năm của Lực lượng Tên lửa nhằm kiểm tra hiệu quả hoạt động của vũ khí và thiết bị, cũng như trình độ huấn luyện quân đội, và đã đạt được mục đích mong đợi. Trung Quốc đã thông báo trước cho các nước liên quan, Tân Hoa Xã đưa tin.

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết vào ngày 25/9 rằng: “Chúng tôi đã nhận được một số thông báo trước về vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chúng tôi nghĩ rằng đây là một bước đi đúng hướng và nó thực sự sẽ ngăn chặn mọi hiểu nhầm hoặc tính toán sai lầm.”

 - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình một video được chia sẻ trực tuyến với hàng chữ bằng tiếng Trung nói rằng “Tên lửa xuyên lục địa bay ngang bầu trời nước Mỹ”.

 - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình một video khác được chia sẻ trên một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc nói rằng "Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong không rõ tên mã đã tới bờ biển phía đông Thái Bình Dương" (bờ tây nước Mỹ).

 - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình của video thứ ba được chia sẻ trực tuyến viết "Người dân Mỹ đã chụp được hình ảnh về tên lửa xuyên lục địa của Trung Quốc".

Kiểm tra thực hư

The Paper đã sử dụng phần mềm InVID để trích xuất hình ảnh từ ba video được chia sẻ trực tuyến và tìm kiếm ngược, kết quả cho thấy các hình ảnh liên quan trên thực tế là tên lửa Falcon 9 được công ty SpaceX của Mỹ phóng trước đó.

 - Ảnh 4.

Video phóng tên lửa Falcon 9 của SpaceX vào ngày 18/6/2024 được các tài khoản bên ngoài Trung Quốc chia sẻ trùng khớp với video đưa thông tin sai lệch về ICBM Trung Quốc.

 - Ảnh 5.

Video được người dùng bên ngoài Trung Quốc đăng tải ngày 11/9 trùng khớp với video thứ ba đăng trên mạng kể trên và không liên quan gì đến ICBM do Trung Quốc phóng gần đây.

Thêm vào đó, không có nguồn đáng tin cậy nào cho thấy video đầu tiên được chia sẻ trên mạng kể trên đã ghi lại hình ảnh một tên lửa xuyên lục địa. Trên thực tế, vật thể bay và "ánh sáng ngôi sao" chuyển động xuất hiện trong video được chia sẻ trùng khớp với hình ảnh về tên lửa đẩy Falcon 9.

 - Ảnh 6.

Ảnh chụp màn hình video về vụ phóng Falcon 9 được đài ABC (Mỹ) đưa tin hồi tháng 6.

Ngoài ra, theo The Paper, giới chức Trung Quốc cũng chưa công bố đường bay cụ thể của ICBM nước này. Theo các thông báo dẫn đường liên quan, vào ngày phóng, có các khu vực cấm phương tiện liên quan ở Biển Đông, phía nam Biển Philippines và Nam Thái Bình Dương.

Một chuyên gia tên lửa ẩn danh nói với The Paper rằng, nếu 3 vùng biển này có liên quan đến vụ phóng ICBM nêu trên thì có nghĩa là quỹ đạo bay của vụ phóng này đã được tính toán cẩn thận, hầu như không bay qua đất liền, làm giảm tác động tiềm tàng của việc phóng tên lửa đối với đất liền.

Theo chuyên gia này, trên thực tế, việc một số bộ phận của tên lửa tách rời trong giai đoạn bay lên của một vụ phóng tên lửa xuyên lục địa sẽ có tác động đến mặt đất hoặc mặt biển; người trên đất liền phải được sơ tán, cũng như đưa ra thông báo cấm các phương tiện trên biển và trên không. Sau khi đi vào không gian, giai đoạn giữa trong hành trình của tên lửa về cơ bản sẽ không có tác động gì đến mặt đất và biển, đồng thời cũng phải phân định vùng cấm ở mục tiêu mà tên lửa phóng tới.

Kết luận

The Paper kết luận, thông tin "tên lửa xuyên lục địa bay ngang bầu trời nước Mỹ" là không có thật, các video được chia sẻ trên mạng đã có từ trước ngày 25/9, và liên quan đến tên lửa đẩy Falcon 9 do SpaceX phóng lên trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại