Ảnh: "Thiên đường săn mây" Tà Xùa
Chỉ khoảng 1 năm trước, Tà Xùa được ví như “thiên đường” kinh doanh homestay, resort. Môi giới tên G. kể lại rằng, năm 2012-2016, giá đất Tà Xùa từng “rẻ như cho” với những khu vực có địa hình cao, chênh vênh. Thế nhưng, kể từ năm 2018 đến nay, giá đất Tà Xùa bắt đầu nhích dần và tăng đột biến trong giai đoạn 2019-2021. Nhưng kể từ đầu năm 2023 trở lại đây, hoạt động kinh doanh tại homestay tại Tà Xùa đang bị chững lại.
Kinh doanh thua lỗ, không có khách thuê, những cuộc thanh tra rà soát xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ khiến nhiều chủ homestay buộc phải rao bán.
G. cho biết: “Giá đất ở Tà Xùa giảm đáng kể. Một số chủ homestay đang rao bán cả công trình trên đất và đất. Đa phần, lý do bán đến từ việc kinh doanh không thuận lợi. Trước đó, họ xây dựng trên đất rừng. Nên hiện thanh tra liên tục và bị yêu cầu dừng đón khách du lịch. Thế nên, muốn hút khách du lịch, họ phải “làm chui”. Giá cho thuê phòng cũng rẻ đi, chỉ còn từ 400-600.000 đồng/phòng/đêm. Thậm chí, nhiều homestay còn đang nằm trong diện yêu cầu phá dỡ công trình trên đất”.
Trong nhóm Du lịch trải nghiệm ở Tà Xùa, thông tin rao bán homestay bắt đầu xuất hiện. Mới đây nhất, một chủ homestay rao chuyển nhượng lại quyền sở hữu, vận hành, khai thác homestay.
Theo giới thiệu, chủ homestay không thể quản lý vận hành do quá bận nên muốn chuyển nhượng. Homestay gồm một số công trình nằm trên quỹ đất dọc khu “sống lưng khủng long”, sở hữu view đẹp. Tuy nhiên, đây là khu đất 50 năm, phải nộp thuế hàng năm. Chủ homestay chào chuyển nhượng giá thuê lại toàn bộ khu trung bình 8-9 triệu đồng/tháng. Từ năm thứ 3, mức giá thuê là 10 triệu đồng/tháng. Người thuê mới được toàn quyền sử dụng lại công trình và vận hành. vai là khách hàng cần tìm mua homestay kinh doanh.
Làn sóng bán homestay, resort cũng diễn ra âm thầm tại một số khu vực vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Ba Vì…
Anh M.C (nhà đầu tư đến từ Hà Nội) cho biết, cũng có 2 lý do khiến chủ homestay, resort rao bán rao bán gia tăng trong vòng nửa đầu năm 2023. “Một là làm ăn thua lỗ, hai là do ảnh hưởng thanh tra đối với tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng. Lý do thứ 2 là tác động chính khiến nhiều chủ homestay phải bán tháo. Bởi homestay đã vào diện thanh tra, dù đi vào vận hành thì cũng khó tìm khách thuê. Chưa kể, quy định phải tháo dỡ công trình trên homestay để trả lại phần mặt bằng như cũ cũng khiến chủ homestay phải mất thêm chi phí”.
Ông Đoàn Mạnh, nhà sáng lập Combo Home cho biết, làn sóng đổ xô làm homestay, resort nghỉ dưỡng bùng nổ mạnh chỉ trong vài năm trở lại đây. Theo ông Mạnh, trong trào lưu này, có không ít nhà đầu tư làm homestay thua lỗ.
Ông Mạnh chỉ ra một số điểm khiến homestay kinh doanh không thành công. Thứ nhất, chọn vị trí sai như vị trí không có điểm lợi thế về du lịch. Thứ hai, homestay không có giá trị cạnh tranh như concept nhà xấu, không có thiết kế, chỉnh sửa tạm bợ, không có phong cách. Vì đầu tư rẻ nên đồ nhanh hỏng, xuống cấp. Tiếp đến, chủ homestay không biết truyền thông bán hàng, dẫn đến không có lượng khách đến đều đặn.
Thông thường, các homestay xây sau có vị trí đẹp, đầu tư bền vững, có cách quản lý tài chính và pr hợp lý sẽ vận hành tối ưu.
“Nhiều homestay xây dựng tự phát, không thiết kế, không có phong cách. Nhiều homestay mọc lên theo cách tạm bợ. Những homestay đẹp, chất lượng, dịch vụ vận hành sẽ thu hút khách. Cùng một vùng nhưng 70% khách sẽ vào homestay đẹp nhất để ở. Thế nên, homestay tự phát, không được đào tạo bài bản kinh doanh hay tự phát vận hành, tiết kiệm không đúng sẽ có kết quả hoạt động không như ý”.
Một lý do thứ hai mà theo ông Mạnh khiến cho homestay, resort phải bán tháo, xuất phát từ việc xây dựng trái phép trên đất không có giấy tờ. Những trường hợp này không đáp ứng đủ điều kiện về pháp lý thì việc bán tháo là điều “sớm muộn".